Sau tai nạn thương tâm trên cầu Chu Va 6 ở tỉnh Lai Châu, ngành giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ các cầu treo trên địa bàn. Qua báo cáo đánh giá sơ bộ của các địa phương, có tới 47% số cầu treo đã xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho lưu thông.
Trên hệ thống đường quốc lộ và tỉnh lộ, Điện Biên có tổng số 125 cầu treo với tổng chiều dài gần 8.000m. Trong số đó có 21 cầu ô tô đi được, 104 cầu treo dân sinh. Cây cầu có khẩu độ lớn nhất là cầu treo Pa Phông bắc qua sông Đà, thuộc địa phận huyện Tủa Chùa có chiều dài 178,2m, rộng 4,5m với tải trọng khai thác 10 tấn. Qua báo cáo ban đầu từ các địa phương, trong tổng số 125 cây cầu trên, có tới 59 cầu ở mức độ từ xuống cấp cho tới xuống cấp nghiêm trọng. Trong đó có 3 cầu cảnh báo nguy hiểm, 4 cầu đã hỏng hoàn toàn, không cho phép người qua lại là cầu treo cũ vào UBND xã Thanh Minh (thành phố Điện Biên Phủ), cầu treo Bản Hỏm, Cầu treo Ta Pao ( đều thuộc xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo) và cầu treo bản Pom Sinh (xã Chiềng Đông - huyện Tuần Giáo). 105 cầu hiện không có đầy đủ biển báo và hướng dẫn người qua cầu. Có 6 cầu xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước năm 1990; 5 cầu chưa rõ năm đưa vào sử dụng. Đặc biệt, cầu treo C4 thuộc phường Nam Thành (thành phố Điện Biên Phủ) và cầu treo Nậm Thanh (xã Noong Luống - huyện Điện Biên) nằm trên dự án quốc lộ 12 kéo dài, có lưu lượng người và xe qua lại rất đông. Tuy nhiên, hiện tại 2 cầu này đã hư hỏng, một số sợi cáp của dây văng cầu Nậm Thanh đã bị trùng, khi xe đi qua làm cầu bị rung lắc. Ván và dầm dọc của cầu C4 hư hỏng nhiều, phải sửa chữa thường xuyên. Ngành giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã khảo sát, lập dự án đầu tư, đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho xây dựng cầu bê tông kiên cố trong dự án kéo dài quốc lộ 12.
Ông Phạm Quang Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên) cho biết: Các thống kê trên mới chỉ là báo cáo đánh giá sơ bộ của các huyện, thị xã, thành phố. Theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Điện Biên, hiện Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các địa phương xây dựng kế hoạch, kiểm tra cụ thể hiện trạng các cầu treo trên địa bàn. Dự kiến đến giữa tháng 3/2014, đoàn công tác liên ngành sẽ tới từng địa phương, kiểm tra lại hồ sơ thiết kế cũ, đánh giá chất lượng, kết cầu, hiện trạng các bộ phận như cáp, neo, trụ, tăng đơ, ván mặt...của từng cây cầu. Đặc biệt, cần đánh giá cụ thể tải trọng khi thiết kế của mỗi cầu so với lưu lượng, tải trọng người và phương tiện qua lại thực tế xem còn phù hợp không, để có phương án xử lý. Ông Kim nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm nhất là hiện trạng các cầu treo tại những vùng sâu, vùng xa không được bảo dưỡng thường xuyên, khiến dây cáp bị nứt, nổ bên trong, rất dễ xảy ra hiện tượng đứt cáp. Trong khi đó, người sử dụng và chính quyền cơ sở do không có chuyên môn, chỉ quan tâm đế phần ván mặt cầu và độ lệch của cầu. Nguyên nhân số lượng cầu treo trên địa bàn toàn tỉnh xuống cấp như hiện nay chủ yếu do phân cấp cho địa phương quản lý, trong khi kinh phí của địa phương không có nguồn phân bổ cho công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ./.