Thứ ba, 18/02/2014 17:17 (GMT+7)
Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2014 tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Đối với những địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng trong năm 2013 thì năm 2014 phấn đấu kéo giảm 10%.
Để thực hiện mục tiêu trên, lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Đồng Nai tăng cường tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng thường xuyên chốt chặn, phân luồng và xử lý giao thông tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn; đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người tham gia giao thông. Tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cầu vượt tại các điểm qua tuyến quốc lộ 1A như: Ngã tư Amata, vòng xoay Tam Hiệp, ngã tư Dầu Giây; làm đường tránh quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thị xã Long Khánh; mở rộng đoạn quốc lộ và đặt dải phân cách cứng ở địa bàn huyện Xuân Lộc. Tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị tăng biên chế lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tỉnh để đáp ứng công tác tuần tra kiểm soát nói chung và ở các tuyến đường mới phát triển trên địa bàn.
Đồng Nai là địa bàn nằm ở cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh, với hệ thống giao thông gồm các tuyến quốc lộ 1A, 51, 20, 1K, tuyến đường sắt Bắc – Nam, hệ thống đường cao tốc, đường sông và các tuyến tỉnh lộ. Đây là địa bàn phức tạp về tình trạng mất an toàn giao thông. Nhiều năm trước đây, trung bình mỗi ngày, trên các tuyến đường thuộc địa bàn Đồng Nai có từ 2 – 3 người chết vì tai nạn giao thông. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tại địa phương, trong 3 năm gần đây Đồng Nai đã kéo giảm được tai nạn giao thông. Năm 2013, Đồng Nai là một trong 3 địa phương của cả nước thực hiện tốt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, được Chính phủ biểu dương.
Năm 2013, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 630 vụ tai nạn giao thông, làm 408 người chết và 532 người bị thương, giảm trên 36% số vụ, gần 26% số người chết và 46% số người bị thương so với năm 2012. Công an tỉnh Đồng Nai đã mở 9 đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo các chuyên đề; huy động lực lượng tuần tra kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm về tình trạng mất an toàn giao thông để khắc phục những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn.
* Bình Thuận có chiều dài quốc lộ 1A đi qua địa bàn gần 200 km, đây cũng là tuyến đường thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Năm 2013, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, Bình Thuận đã giảm được cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với những năm trước.
Lực lượng cảnh sát giao thông đã thường xuyên túc trực trên các tuyến đường đảm bảo giao thông diễn ra thông suốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận: Một trong những cách làm hay để kéo giảm tai nạn giao thông của tỉnh là kết hợp song song giữa vận động tuyên truyền và xử phạt nghiêm để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa; đồng thời xử lý nghiêm chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp khi để lái xe vi phạm nhiều lần. Việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng được làm mạnh, đặc biệt là kiểm tra việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, xử lý nghiêm xe dù, bến cóc…
Từ tháng 12/2013 đến tháng 2/2014, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh được đảm bảo thông suốt, không bị ùn tắc giao thông. Toàn tỉnh đã xảy ra 137 vụ tai nạn giao thông (giảm 98 vụ so với cùng kỳ), làm chết 40 người (giảm 36 người), 118 người bị thương (giảm 103 người). Cả 3 tiêu chí tai nạn giao thông đều giảm từ 41-47%, đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành giao thông Bình Thuận. Đặc biệt trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt và tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng./.