Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa

Thứ sáu, 14/03/2014 15:48

Ngày 13/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lấy ý kiến của đại diện lãnh đạo các sở, ngành vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

So với Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2005, nhiều ý kiến thống nhất với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này. Tuy nhiên, đại biểu Sở Giao thông vận tải đề nghị nên bỏ khái niệm “Bến dân sinh” tại (Điểm đ, Khoản 2- Điều 13a) vì cho rằng dạng loại bến này quá nhỏ và quá nhiều, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3- Điều 24 về điều kiện hoạt động của phương tiện, nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “trên đường thủy nội địa” để mở rộng phạm vi áp dụng cho những nơi không thuộc đường thủy nội địa. Cùng với Điều 24 đề nghị bổ sung khoản 5, thành “Phương tiện khi đưa vào hoạt động phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng” theo quy định của Chính phủ.

Tại Khoản 1, Điều 35a về "Kháng nghị đường thủy nội địa", nhiều ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “trong phạm vi đường thủy nội địa” và chỉnh sửa thành “Kháng nghị đường thủy nội địa là văn bản do thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện lập, công bố hoàn cảnh phương tiện, tàu biển gặp phải trong phạm vi đường thủy nội địa và những biện pháp thuyền trưởng, hoặc người lái phương tiện đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh, hạn chế tổn thất xảy ra, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp cho chủ tàu và những người có liên quan”.

Tại Khoản 1, Điều 98b, đề nghị bỏ cụm từ “thoát khỏi nguy hiểm” và sửa thành “Tìm kiếm cứu nạn giao thông đường thủy nội địa là hoạt động tìm kiếm, cứu người, cứu phương tiện, tài sản khác bị nạn”, vì thực tế nhiều trường hợp tàu đã chìm, có người chết…vẫn phải thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Tại Khoản 2, Điều 98c, đề nghị bổ sung cụm từ “trách nhiệm phối hợp trong việc tìm kiếm cứu nạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Tại Khoản 3, Điều 98d, đề nghị sửa đổi và bổ sung: “Đối với tai nạn giao thông đường thủy nội địa xảy ra tại khu vực có Cảng vụ đường thủy nội địa thì do Cảng vụ đường thủy nội địa nơi đó tổ chức điều tra theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn cho cơ quan điều tra có thẩm quyền”…  Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giao thông đường thủy nội địa” của đại diện Hội đồng nhân dân và các đơn vị liên quan như: Cảnh sát giao thông thủy nội địa, Thanh tra giao thông, Công ty phà, Tòa án nhân dân, Hội Luật gia, cùng nhiều cơ quan, ban, ngành.

Nhiều ý kiến cho rằng, từ thực tế đường giao thông thủy nội địa ít gây tai nạn so với đường bộ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao do nhận thức, trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái tàu luôn tranh thủ luồn lách để tránh gió, tránh sóng, vì vậy Luật nên qui định bổ sung đồng trách nhiệm của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đối với tất cả các bến đò ngang do địa phương quản lý. Cần chú trọng qui hoạch phát triển bến, cảng, luồng, tuyến đảm bảo thông suốt an toàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật còn bỏ sót qui định về tiêu chuẩn bến phà, bến đò khách ngang sông; thẩm quyền xử phạt và trách nhiệm quản lý bến phà nên giao về cho địa phương quản lý và không thống nhất với qui định hành khách mặc áo phao khi đi phà, bởi phà là phương tiện vận chuyển khách lớn, vì vậy qui định này khó khả thi, mặc dù hầu hết các phà đều có trang bị áo pháo đầy đủ.

Luật sư Hứa Hoàng Chấn cho rằng, Luật lần này có kết cấu không chặt chẽ cần phải tăng nhiều điều; nêu rõ ý, cụ thể các điều - khoản thi hành, xác định thời gian thực hiện. Nên bỏ qui định đăng kiểm đối với phương tiện chở hàng dưới 10 tấn, còn đối với phương tiện chở khách bắt buộc phải đăng kiểm./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực