Hầu hết cầu dân sinh ở Gia Lai xuống cấp, không đảm bảo an toàn

Thứ sáu, 21/03/2014 10:45

Ông Trịnh Văn Thọ - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai), cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 134 cây cầu dân sinh bắt qua các sông suối, trong đó có 39 cầu treo, 32 cầu thép và 63 cầu bê tông cốt thép. Qua khảo sát thực tế, hầu hết các loại cầu này đều có thời gian sử dụng lâu năm và đã xuống cấp không đảm bảo an toàn cho sự đi lại của người dân, nhất là những chiếc cầu treo.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: baohagiang.vn 

Ở xã Đông (huyện K'Bang) có chiếc cầu treo dài 120 m bắt qua sông Ba được đầu tư xây dựng từ năm 2001. Đây là con đường "độc đạo" đưa người dân trong xã và vùng phụ cận sang bên kia sông để sản xuất. Hàng ngày, trên chiếc cầu này phải "gồng mình" chịu tải quá sức do người dân đi lại nhiều, thêm vào đó là các loại phương tiện và hàng hoá, nhất là vào mùa vụ sản xuất và thu hoạch nông sản. Ông Trần Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND xã Đông, cho biết: chiếc cầu treo này đã qua 3 lần đầu tư sửa chữa nâng cấp với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, chủ yếu là thay mặt ván cầu, thay dầm cầu... Tuy nhiên, cầu vẫn chưa đảm bảo về mặt an toàn, đang cần các đơn vị chức năng thẩm định lại chất lượng kỹ thuật hệ thống dây chằng, dây néo để có kế hoạch thay thế hoặc duy tu, bảo dưỡng.

Ở vùng thị trấn K'Bang cũng có 1 chiếc cầu treo bắt qua sông Ba dài khoảng 100 m và đã cấm đi lại hơn 1 năm nay, bởi chiếc cầu này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Huyện đã huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng chiếc cầu vĩnh cửu cách đó khoảng 300 m, song người dân vẫn đi lại trên chiếc cầu treo này. Mặc dù chính quyền địa phương đã có thông báo, có treo bảng cấm, có rào chắn song không ngăn được dòng người qua lại thường ngày. Ông Đinh Huyêch - dân tộc Bahnar, người dân ở vùng thị trấn nói: “Chiếc cầu treo này thuận đường hơn chiếc cầu vĩnh cửu mới làm, dân mình không muốn phải đi vòng xa lắm”

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đang chỉ đạo các đơn vị chức chức năng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra lại chất lượng của từng chiếc cầu về mức độ hư hỏng và có kế hoạch đầu tư vốn để sửa chữa nâng cấp, đảm bảo sự đi lại an toàn cho nhân dân. Ước tính mức vốn đầu tư cho công tác này lên tới hàng trăm tỷ đồng, tuỳ theo mức độ nguồn vốn cấp, ngành chủ trương ưu tiên đầu tư sửa chữa những chiếc cầu trọng điểm trước, không đầu tư dàn trải và nhỏ giọt./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực