Nhiều cầu tạm, cầu treo ở Đắk Nông nằm trong vùng bị nước ngập, lũ quét

Thứ hai, 14/10/2013 16:24

Do đặc điểm tỉnh Đắk Nông có địa hình bị chia cắt mạnh, lượng mưa trong mùa lũ có cường độ tương đối lớn, nên lượng nước trong các sông suối tập trung nhanh, khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống rất cao.

Theo báo cáo hàng năm của Ban chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh, thiệt hại về tài sản, nhà cửa, giao thông, cầu cống, thủy lợi…do lũ gây ra trên địa bàn là rất lớn, có năm thiệt hại hơn 180 tỷ đồng. Hiện nay, do nhiều công trình xây dựng chỉ mang tính chất tạm thời nên việc quản lý ít được chính quyền địa phương quan tâm, dẫn đến tình trạng đa số công trình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người dân. Nhiều cây cầu bị hư hỏng, xuống cấp, mặt cầu bị ngập, đầu nối dẫn hai đầu cầu thường có độ dốc cao nên rất nguy hiểm cho người qua lại. Đó là chưa kể hàng năm, mỗi khi đến mùa mưa, hàng chục cầu bị trôi theo nước lũ khiến việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn, gây thiệt hại nặng về tính mạng và tài sản của người dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có có 164 công trình cầu tạm, cầu treo, trong đó có 161 cầu gỗ, 2 công trình bằng bê tông cốt thép, 1 cầu sắt. Các công trình trên chủ yếu được làm bằng gỗ, không có lan can bảo vệ và được xây dựng trên các khe suối nhỏ để phục vụ cho việc đi lại của bà con nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các công trình này chủ yếu tập trung tại các huyện Đắk R’lấp (50 công trình), Đắk Song (29 công trình) và Đắk Mil (28 công trình). Nhiều đơn vị hành chính xã tuy có tổng diện tích tự nhiên không lớn nhưng có nhiều công trình cầu tạm, điển hình như xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp 9 công trình; xã Đắk N’drot, huyện Đắk Mil có 8 công trình tiềm ẩn nguy hiểm.

Ông Nguyễn Thành Lý, Trưởng phòng Phòng chống lụt bão, Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết: Do còn nhiều khó khăn về kinh phí, nên tỉnh chỉ tập trung làm những cầu trọng điểm, những vùng hay bị ngập lụt, những vùng có nhu cầu giao thông lớn, ưu tiên trước mắt là để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh.

Hiện nay, đã có nhiều vùng, các hộ dân đã cùng nhau tự giải quyết khó khăn bằng cách chung tay làm cầu tạm phục vụ lao động, sản xuất như ở thôn Nghĩa Tín, xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa. Ông Phan Văn Hưng-trưởng thôn cho biết: “ Do nhiều năm tại địa bàn chỉ có một cái cầu, lại bị ngập nước mỗi khi mùa mưa lũ đến. Vì vậy bà con chúng tôi cùng nhau đóng góp tiền, ngày công, nâng mặt cầu cao hơn so với mức lũ hàng năm để phục vụ cho đời sống dân sinh, lao động sản xuất...

Việc rà soát, kiểm tra cầu tạm, cầu treo trên địa bàn tỉnh hiện nay là cần thiết. Đây là cơ sở để các cấp các ngành có liên quan thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp các cây cầu, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định cuộc sống dân cư, đảm bảo an toàn giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực