Quảng Nam: Hiểm họa rình rập trên mỗi chuyến đò ngang

Thứ sáu, 23/08/2013 15:23

Kiên quyết đình chỉ, buộc ngừng hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn và người điều khiển phương tiện không có đầy đủ chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Đây là yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đối với các ngành chức năng trong việc quản lý các phương tiện vận tải đường thủy nội địa. Tuy nhiên trong thực tế, hoạt động của các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh còn nhiều phức tạp và ẩn chứa nhiều rủi ro lớn, nhất là mùa mưa bão đang cận kề.

Mỗi ngày từ bến Bạch Đằng, thành phố Hội An, đi đến bến đò các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn và các vùng phụ cận, có hàng trăm chuyến đò với hơn 4.500 lượt hành khách qua lại. Hành khách và phương tiện vận tải ken kín mặt sông, nhưng điều dễ dàng nhận thấy nhất là hầu hết hành khách đi trên tất cả các phương tiện vận tải đường thủy nơi đây không ai mặc áo phao. Trên các phương tiện vận tải, người và hàng hóa lúc nào cũng đông đúc và quá tải, còn với hành khách các loại phao cứu sinh vừa quen, vừa lạ, nhưng trên hết là sự chủ quan.

Anh Trần Văn Thành, người có hơn 30 năm đi lại trên bến đò này khẳng định: Các phương tiện như áo phao hay phao tròn được các chủ đò trang bị chỉ để đáp ứng đòi hỏi của cơ quan chức năng khi kiểm tra, chứ thực tế thì không có hành khách nào sử dụng. Chị Trần Thị Xuân một hành khách thường xuyên qua lại trên các bến đò này cũng chủ quan không kém khi cho rằng các con sông trên địa bàn đều “êm” sóng, vậy nên mặc áo phao làm gì cho nóng nực, khó chịu. Ông Trần Phương Lý, chủ phương tiện kiêm tài công một phương tiện vận tải hành khách đường thủy cho biết: Trên các phương tiện đều có “khẩu hiệu” kêu gọi mọi người hãy mặc áo phao mỗi khi tham gia giao thông đường thủy, nhưng không mấy ai tự giác chấp hành. Thậm chí khi chủ phương tiện đưa áo phao đến tận tay thì hành khách cũng không mặc. Việc mặc áo phao đối với hành khách mới chỉ dừng lại ở việc vận động, chứ chưa có chế tài xử phạt. Đây chính là lý do khiến việc không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy của người dân đã trở thành phổ biến.

Bến đò Bạch Đằng chỉ là một trong số nhiều bến đò đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam hiện có 43 bến đò được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động, số bến đò tự phát vẫn ngày đêm hoạt động thì chưa thể thống kê hết được. Trong khi đó, lực lượng chức năng - đặc biệt là thanh tra giao thông vận tải không đủ quân số thường xuyên để duy trì công tác tuần tra, kiểm soát ở các bến. Vậy nên tình trạng phạt rồi cho hoạt động cứ mặc nhiên tồn tại. Ông Trần Thế Lai, Đội trưởng Đội thanh tra giao thông số 1 đường thủy Quảng Nam thừa nhận: Do địa bàn sông nước quá rộng, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng nên việc kiểm tra chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy đối với các chủ phương tiện và người tham gia giao thông chưa được thường xuyên. Khi có lực lượng chức năng kiểm tra thì các chủ phương tiện thủy nội địa chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn giao thông, nhưng khi lực lượng chức năng vừa đi khỏi thì việc chở hàng hóa, chở người vượt mức cho phép và hành khách không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy lại tiếp diễn. Đây chính là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.

Để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra trong mùa mưa bão, cần kiên quyết buộc ngừng hoạt động các phương tiện và người điều khiển phương tiện không tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, không cho phương tiện xuất bến khi trên phương tiện vẫn còn khách không mặc áo phao cứu sinh hoặc sử dụng dụng cụ cứu sinh cá nhân. Tuy nhiên trong thực tế, những chuẩn mực an toàn này không được nhiều người quan tâm. Đến thời điểm này, nhiều tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thiếu an toàn, nhiều tuyến đò ngang không đáp ứng được các các tiêu chí kỹ thuật, nhiều bến đò tạm bợ đang mặc nhiên tồn tại cùng với những hạn chế trong công tác quản lý của cơ quan chức năng và ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của chủ phương tiện và hành khách. Đây chính là những yếu tố khiến tai nạn giao thông đường thủy luôn là hiểm họa rình rập trong mỗi mùa mưa bão./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực