TP. Hồ Chí Minh khan vé xe ô tô dịp Tết Nguyên đán

Thứ năm, 05/12/2013 14:05

Có mặt tại bến xe miền Đông từ lúc sớm, chúng tôi thấy có khá đông lượng khách xếp hàng mua vé về quê ăn Tết. Tuy nhiên, rất nhiều người đã không mua được vé, thậm chí giá vé thường ngày cũng bị đẩy lên.

Tại phòng bán vé, nhà xe Thuận Thảo (tuyến Tp. Hồ Chí Minh – Vinh) có dán thông báo “từ 23-29 Âm lịch đã hết vé các tuyến”. Chưa tin, nhiều người vẫn kiên trì xếp hàng mua vé, buộc nhân viên nhà xe phải cầm loa thông báo mọi người giải tán.

Sinh viên Kim Anh (quê Phú Yên) buồn bã: Hôm nay em tranh thủ ra bến xe mua vé của nhà xe Thuận Thảo cho anh chị về quê vào ngày 24 Tết nhưng được thông báo hết vé. Giá vé của các hãng xe lớn và nhà xe tư nhân bằng nhau nhưng tâm lý hành khách vẫn muốn đi xe “có tiếng” hơn.

Sinh viên Phan Văn Huỳnh, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh (quê Phú Yên) cho biết: Thật bất ngờ khi chưa đến Tết mà đã hết vé. Việc mua vé khó khăn quá, không còn vé xe Thuận Thảo thì đành phải tìm nhà xe khác.

Không mua được vé xe về Phú Yên từ nhà xe Thuận Thảo, dòng người đã tràn qua phòng vé của nhà xe Hạnh Thọ (tuyến Tp. Hồ Chí Minh - Phú Yên) mặc dù theo nhân viên bảo vệ của bến xe miền Đông, nhà xe này chưa có kế hoạch và đăng ký bán vé Tết vào hôm nay. Tại nhà xe Cúc Tư có khá nhiều người tập trung để mua vé nhưng lượng người xếp hàng không mua được vé vẫn nhiều vì hôm nay nhà xe chỉ bán vé đi các ngày 21, 22, 23 Âm lịch.

Trong khi đó, một hãng xe lớn khác là Mai Linh ra thông báo, tuyến TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội đã hết vé từ ngày 24-26/12 Âm lịch; tuyến Tp. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng hết vé vào ngày 23-29/12 Âm lịch và tuyến Tp. Hồ Chí Minh – Quảng Ngãi cũng hết vé từ ngày 17-29/12 Âm lịch.

Thường vào dịp Tết, các doanh nghiệp vận tải đẩy giá vé lên 20-60%. Nhưng vào các ngày thường gần đây vẫn có không ít doanh nghiệp cố tình tăng giá vé, làm trái với quy định mà Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh vừa mới ban hành.

Trao đổi với phóng viên, ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết năm nay, tết Dương lịch sát gần 1 tháng với tết Âm lịch nên lượng khách đi lại dịp tết Dương lịch không biến động nhiều mà dồn cả vào Tết Nguyên đán. Thế nhưng, hiện vẫn có hơn chục doanh nghiệp tăng giá vé ngày thường từ 5-10%.

Về vấn đề phụ thu giá vé trong các ngày phục vụ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đều thống nhất đưa ra mức 20-60%. Theo thông báo của nhà xe Thuận Thảo: Cao điểm từ ngày 24-30/12 Âm lịch, nhà xe áp dụng mức phụ thu 60%, giá vé chiều Tp. Hồ Chí Minh đi Vinh có mức thấp nhất là 940.000 đồng, cao nhất là 1,250 triệu đồng, trong khi giá vé hiện tại chỉ có 780.000 đồng. Đây cũng là khoảng thời gian hãng Mai Linh áp dụng mức phụ thu 60%, tuyến Tp. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng giá vé 650.000 đồng, còn ra Hà Nội lên đến 1.520.000 đồng.

Tương tự, nhà xe Phước Thiện, tuyến từ Tp. Hồ Chí Minh – Phan Rang tăng từ 150.000 đồng lên 240.000 đồng; nhà xe Hạnh Thọ, tuyến từ TP. Hồ Chí Minh – Tuy Hòa có giá 480.000 đồng…

Ông Thượng Thanh Hải cho biết một tuyến đường có 5-7 doanh nghiệp cùng khai thác, doanh nghiệp này bán vé trước thì còn có doanh nghiệp khác. Sẽ không bao giờ có chuyện hết vé, hành khách không nên quá lo lắng. Nếu trường hợp doanh nghiệp bán hết vé đi nữa thì số hành khách còn lại không mua được vé cũng rất ít, bến xe sẽ tổ chức bán vé cho khách. Bên cạnh đó, bến xe sẽ tổ chức giám sát việc bán vé của nhà xe giữa giá niêm yết và giá kê khai. Nếu bán quá giá niêm yết, hành khách sẽ phản ánh và bến xe sẽ có biện pháp xử lý, ngăn chặn.

Theo dự báo của bến xe miền Đông, trong những ngày cao điểm, lượt hành khách xuất bến có thể chỉ đạt 45.000 lượt/ngày. Các tuyến có lượng hành khách tăng cao gồm các tuyến thuộc khu vực Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Đông Hà, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực