|
Ảnh minh họa (Nguồn: KT) |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020.
Trong Nghị quyết có đề cập đến quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính
Cụ thể, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành và nội dung cơ bản của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng trên cơ sở đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ thảo luận và thống nhất: dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.
Do còn ý kiến khác nhau, nên trong Tờ trình Quốc hội về dự án Luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, theo 2 phương án: Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Phương án 2: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.
Về những vấn đề khác có ý kiến khác nhau, Chính phủ thống nhất: Quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/01 năm, nếu trong 01 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 01 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hàng năm. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân; dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc; Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.
Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, về cơ bản, các vấn đề thuộc nội dung của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được quy định theo hướng mang tính nguyên tắc, nhất là về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.
Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông
Chính phủ thống nhất về sự cần thiết ban hành và thông qua nội dung cơ bản của dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh bao gồm các vấn đề: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ; hệ thống báo hiệu đường bộ gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tổ chức giao thông gắn với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Về một số vấn đề cụ thể liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Chính phủ thống nhất như sau: Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ; phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng, ban hành quy tắc giao thông đường bộ, chương trình, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông cho phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải về giao thông đường bộ, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.
Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan có liên quan rà soát, kịp thời đề xuất chỉnh lý các nội dung quy định cụ thể của từng dự án Luật, nhất là đối với các vấn đề có sự giao thoa, chồng lấn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, trùng lặp./.