Đồng bộ, kết nối
Ngày 9/4/2021 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc. Tham dự cuộc họp gồm có đầy đủ lãnh đạo của 9 bộ, ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng nơi dự án đi qua và liên danh nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, Hưng Thịnh...
|
Cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Tân Phú - Bảo Lộc ngày 9/4 |
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm hoàn toàn ủng hộ đồng thời ghi nhận sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đánh giá cao năng lực của các nhà đầu tư đặc biệt là Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức triển khai thành công nhiều dự án khó, công trình trọng điểm quốc gia như Dự án hầm qua đèo Cả, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận...
Sau khi nghe ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng (CQNN CTQ) và ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả (Phó Ban Chỉ đạo dự án Tân Phú - Bảo Lộc) báo cáo và kiến nghị, các Bộ ngành đưa ra vài điểm hỏi đáp, trao đổi xoay quanh các vấn đề về chọn hướng tuyến, phân kỳ giai đoạn đầu tư, khả năng thu xếp vốn (ngân sách địa phương, vốn nhà đầu tư, vốn huy động khác), cơ chế chia sẻ rủi ro khi không đảm bảo doanh thu, việc triển khai 2 đoạn còn lại là Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả...
Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Tuyến cao tốc từ Dầu Giây đến Liên Khương được chia làm 3 dự án là Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Đây đều là tuyến mở mới hoàn toàn. Tân Phú - Bảo Lộc mà chúng ta đang nói đến hôm nay là “đoạn giữa”, vậy phải tính toán như thế nào cho bài toán kêt nối đồng bộ? Phải có kế hoạch mang tính tầm nhìn”.
Kế hoạch mang tính tầm nhìn mà Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói đến là sự kết nối đồng bộ 3 dự án nói trên thì “đoạn giữa” Tân Phú - Bảo Lộc mới đảm bảo khả thi. Sau câu hỏi gợi mở nhưng mang tính then chốt đó, ông Nguyễn Chí Dũng hướng sự chờ đợi câu trả lời sang đại diện Bộ Giao thông vận tải đang có mặt trong cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn xác nhận sẽ cân đối vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bố trí triển khai đoạn Dầu Giây - Tân Phú. Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư sau đó cũng lên tiếng sẽ nghiên cứu phương án, cách thức tổ chức triển khai đoạn Bảo Lộc - Liên Khương để hoàn thiện trục kết nối liên kết vùng trọng điểm kinh tế giữa khu vực Nam Bộ - Tây Nguyên nhằm nâng cao năng lực thông hành, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các giải pháp kết nối tạm thời khi chưa hoàn thành 2 đoạn tuyến ở hai đầu.
Cũng tại đây, đại diện Bộ Tài chính có ý kiến đánh giá cao sự dấn thân của các nhà đầu tư (Đèo Cả, Hưng Thịnh, Nam Miền Trung) khi đồng hành cùng tỉnh Lâm Đồng thực hiện dự án Tân Phú - Bảo Lộc đó là “đáng quý, đáng trân trọng, nếu như chúng ta nhìn vào bức tranh đấu thầu một số đoạn tuyến bằng hình thức PPP Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, “rõ ràng là thế” nhưng có nhà đầu tư nào mặn mà gì đâu để rồi cuối cùng Bộ GTVT phải chuyển qua hình thức đầu tư công!”.
Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng chia sẻ tại cuộc họp:“Để có được sự đồng thuận của Hội đồng thẩm định liên ngành hiện nay, thống nhất việc đề xuất dự án của liên danh các nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đại diện đứng đầu, thời gian qua Tỉnh đã chủ động tổ chức tham quan và kiểm tra năng lực thực hiện đầu tư, thi công tại các Dự án mà Tập đoàn Đèo Cả triển khai trong cả nước. Khi dự lễ thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, chúng tôi đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - nay là Chủ tịch nước đã đánh giá rất cao năng lực của Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch nước đã khẳng định, một Việt Nam thịnh vượng không thể không có những doanh nghiệp mang tầm quốc tế như Tập đoàn Đèo Cả”.
Tại cuộc họp, ông Trần Văn Hiệp cũng cho biết: “Tính từ lúc Bộ KH&ĐT có văn bản ngày 08/3/2021 lấy ý kiến các Bộ, ngành, trong vòng 1 tháng, tỉnh Lâm Đồng cùng Tập đoàn Đèo Cả đã có nhiều buổi gặp báo cáo các lãnh đạo Trung ương, các cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo bộ, ngành để nêu phương án triển khai, tham vấn ý kiến và nhận được sự ủng hộ rất lớn.
Dự án PPP và sự sáng tạo “3 chữ P”
Người đặt ra khái niệm mới về “3 chữ P” trong hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) là ông Hồ Minh Hoàng. Theo ông Hồ Minh Hoàng, 3 chữ “P” gồm “P vốn ngân sách”, “P vốn chủ sở hữu nhà đầu tư” và “P vốn huy động” có thể không đúng hoàn toàn với khái niệm đã được dịch ra theo nguyên bản tiếng Anh (Public Private Partnerships) tuy nhiên sẽ phù hợp cho bối cảnh đầu tư xây dựng tại Việt Nam hiện nay.
Trong buổi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 3 “chữ P” dự án Tân Phú - Bảo Lộc được nhà đầu tư và tỉnh trình bày như thế nào để thuyết phục hội đồng thẩm định?
|
Quy hoạch truyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương |
“Chữ P” thứ nhất, vốn ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng, gồm 2000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương đã được bố trí vốn trung hạn 2021-2025 tại văn bản 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021 của Bộ KHĐQT và 4.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua tại nghị quyết số 224/NQ-HDND ngày 26/3/2021. Theo đó, ngoài sự tham gia của nguồn vốn ngân sách nhà nước, tỉnh Lâm Đồng chứng minh việc “nói là làm” khi khẳng định trong 4 năm thi công dự án, mỗi năm tỉnh sẽ chi hơn 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. “Đó là việc chúng tôi làm được. Chúng tôi khẳng định cả hệ thống lãnh đạo Lâm Đồng đã tính toán đủ sức chi, cam kết thực hiện với Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư” – Chủ tịch Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu.
“Chữ P” thứ 2, vốn chủ sở hữu là 1.500 tỷ (tương đương 15 % theo quy định của luật PPP), các nhà đầu tư kinh nghiệm như Tập đoàn Đèo Cả hợp với năng lực tài chính Tập đoàn Hưng Thịnh (Top 10 Nhà đầu tư Bất động sản), Tập đoàn Nam Miền Trung (Tập đoàn hàng đầu về sản xuất tôm giống) khẳng định nếu trúng thầu thì “không phải vấn đề lớn ”.
Còn “chữ P” thứ 3 vốn huy động khác khoảng 8.500 tỷ. Với phương án hoàn vốn dự án lên tới hơn 27 năm, thực tế rất khó để huy động vốn tín dụng từ ngân hàng hay tìm kiếm các nhà đầu tư khác tham gia, cho nên tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị một loạt cơ chế để thu hút đầu tư về bất động sản, dịch vụ thương mại, logistics... học tập mô hình của tỉnh Quảng Ninh khi phát triển bất động sản, dịch vụ kinh tế biển để tạo nguồn vốn cho các dự án như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... Phương thức PPP thực sự đã hình thành khi tỉnh tham gia chia sẻ gánh nặng tài chính với doanh nghiệp.
Tỉnh Lâm Đồng và nhà đầu tư xác định “chữ P” thứ 3 là vấn đề then chốt đem lại thành công cho dự án. Tỉnh cho biết sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có sự quan tâm hỗ trợ cơ chế đặc biệt cần sự chia sẻ của các doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến dự án cao tốc… thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư kêu gọi vốn và đồng thời kiểm soát cam kết của các nhà đầu tư tham gia hình thức trái phiếu, hợp đồng hợp tác… để hiện thực hóa dự án cao tốc đã kéo dài hơn 17 năm nhưng không triển khai được.
Đặt trong bối cảnh môi trường đầu tư PPP rất mới còn nhiều bất cập, hệ thống ngân hàng thương mại không mặn mà, việc đưa ra giải pháp huy động vốn khác biệt nhưng đầy tính khoa học là một sự sáng tạo của những người đề xuất dự án Tân Phú - Bảo Lộc. Phương án này đã nhận được sự tán đồng của nhiều thành viên hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định dự án cho rằng, hồ sơ dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu, thống nhất hướng tuyến theo đề xuất, thống nhất phân kỳ đầu tư, thống nhất phương án giải phóng mặt bằng một lần. Đầu tư đối tác công tư không cần “cắm” dự án để vay vốn tín dụng rất có thể lần đầu tiên được thực hiện. Điều đó mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn cho công cuộc xây dựng hạ tầng giao thông Việt Nam./.