|
Ảnh minh họa. Nguồn: Kim Sơn |
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục và nhà trường xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm học; xây dựng nội dung thi đua thiết thực, cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa phương, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tích cực, hiệu quả.
Nội dung thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải được quán triệt nghiêm túc, sâu rộng tới từng cán bộ, viên chức, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh; kịp thời biểu dương tập thể, cá nhân điển hình, nhắc nhở, giáo dục những trường hợp vi phạm.
Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục Hà Nội đặt mục tiêu 100% trường học phổ biến, giáo dục văn hóa giao thông cho học sinh theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 100% trường xây dựng cổng trường an toàn, khắc phục ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; 100% cán bộ, công chức, nhân viên, học sinh được phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông; 100% cán bộ, viên chức, nhân viên và học sinh nghiêm túc thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia...
Việc thi đua tập trung vào 7 nội dung trọng tâm, trong đó có: Cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, biết cách ứng phó với các tình huống, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; phòng, chống ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đánh giá, xem xét khen thưởng các tập thể, cá nhân về nội dung thi đua này. Đối với học sinh, căn cứ vào mức độ, số lần vi phạm, học sinh sẽ bị xử lý về hạnh kiểm theo quy định của Bộ GD&ĐT./.