|
Ảnh minh họa (Nguồn: Chi Mai) |
Khí thải phương tiện - tác nhân gây ô nhiễm môi trường
Xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng lớn, do đặc thù sử dụng, xe mô tô, xe gắn máy đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là các đô thị lớn.
Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, xe mô tô, xe gắn máy chiếm đến 95% về số lượng, mặc dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra tới 94% lượng HC; 87% CO; 57% NOx... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.
Cụ thể, tính đến quý 1/2019, Hà Nội quản lý 6.649.596 phương tiện; trong đó có 5.761.436 xe máy. Đặc biệt, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 52% và sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Xe máy đang chiếm đến 86% lượng phương tiện giao thông đang lưu hành ở Hà Nội. Dự tính, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66%/năm như hiện nay thì đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 7,3 triệu xe máy; đến năm 2030 sẽ có 7,7 triệu xe máy.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9/2020, số lượng xe máy là 7.408.124 chiếc. Trong đó, số lượng xe đã sử dụng trên 10 năm chiếm tới gần 68% tổng lượng xe đang lưu hành.
Theo đánh giá của WHO, giai đoạn 2008 – 2017, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 500 TP có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất. Trong đó, Hà Nội ở vị trí 214 và TP Hồ Chí Minh là 279… và một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí chính là giao thông vận tải.
Các chuyên gia cho biết, khi các phương tiện sử dụng nhiên liệu để vận hành, động cơ sẽ phát thải một lượng lớn các chất khí có thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tham gia giao thông và sinh sống dọc các tuyến đường giao thông.
Nhiều chuyên gia đánh giá, hiện tại, một bộ phận người dân sử dụng xe máy chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc bảo trì, bảo dưỡng phương tiện định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Đâu là giải pháp?
Ô nhiễm môi trường gây ra từ phương tiện giao thông ảnh hưởng trực tiếp đời sống dân sinh của mổi chúng ta. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do các phương tiện gây ra, cần sớm triển khai các biện pháp ngắn hạn và dài hạn.
Theo các chuyên gia, hiện nay, đối với ô tô, việc kiểm soát về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được thực hiện từ khi sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và trong suốt quá trình tham gia giao thông.
Trong đó, đối với xe nhập khẩu và lắp ráp, thực hiện theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ áp dụng mức phát thải khí thải Euro 4 và 1/1/2022 thống nhất áp dụng mức phát thải khí thải Euro 5 đối với xe nhập khẩu, lắp ráp mới.
Đối với ô tô đang lưu hành, Quyết định 16/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định, xe cơ giới đang lưu hành sau năm 2019 đang áp dụng mức 2 của TCVN 6438/2018.
Đối với mô tô, xe máy nhập khẩu mới đang áp dụng mức khí thải Euro 2 từ 1/7/2007 theo Quyết định 249/2005 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng Euro 3 từ ngày 1/1/2017 theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, còn mô tô, xe máy đang lưu thông hiện nay chưa được áp dụng kiểm soát phát thải khí thải trong lưu hành.
Thực hiện chương trình cải thiện chất lượng không khí theo Quyết định 256/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu thực hiện các đề án và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 909/QĐ-TTg, trong đó quy định về đề án kiểm soát khí thải tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện nay, Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa quy định việc bắt buộc phải kiểm tra khí thải định kỳ đối với mô tô, xe máy đang lưu thông. Chính vì vậy, quyết định của Thủ tướng hiện nay chưa áp dụng được.
Hiện Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trong quá trình bổ sung sửa đổi Luật 2008 bổ sung nội dung kiểm tra phát thải khí thải định kỳ đối với mô tô, xe máy đang tham gia giao thông đường bộ.
Theo các các chuyên gia, khi Luật được Quốc hội thông qua sẽ triển khai, xây dựng các lộ trình, quy định về việc kiểm soát phát thải khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông. Mục tiêu của việc kiểm soát để tác động đến người dân trong quá trình sử dụng mô tô, xe máy cần lưu ý hơn đến bảo dưỡng sửa chữa xe nhằm nâng cao mức phát thải khí thải.
Khẳng định quy định bắt buộc mô tô, xe máy phải kiểm tra khí thải định kỳ là cần thiết, tuy vậy các chuyên gia cho rằng, lộ trình kiểm soát khí thải phải được thực hiện một cách chặt chẽ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Lộ trình phải bao gồm thời gian, đối tượng, địa bàn áp dụng… để các quy định pháp luật dần dần đi vào đời sống, để người dân thích nghi, tạo ý thức tuân thủ pháp luật, tuân thủ điều kiện về mặt kỹ thuật.
Đồng thời siết chặt mức tiêu chuẩn với các nhà sản xuất để đảm bảo quy định kiểm soát khí thải với xe mô tô, xe gắn máy có hiệu quả như cách kiểm soát khí thải từ ô tô trước đây. Các công nghệ áp dụng để kiểm soát khí thải tương đương với công nghệ tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, cũng theo nhiều chuyên gia, giải pháp cần thiết để thúc đẩy "giao thông xanh mang lại bầu không khí sạch" là thường xuyên bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đồng thời thay thế xe cũ không còn đảm bảo về an toàn giao thông và nồng độ khí thải theo quy chuẩn.
Khi phương tiện được bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp động cơ hoạt động tốt hơn, lượng nhiên liệu tiêu hao ít hơn. Chính vì vậy, việc kiểm tra và bảo dưỡng xe máy không chỉ giúp nâng cao tuổi thọ của xe mà còn gián tiếp góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cụ thể theo nghiên cứu từ những đợt khám và bảo dưỡng xe máy trước đây, quá trình bảo dưỡng thay lọc gió, dầu bôi trơn và bugi cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45%.
Để đẩy mạnh giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông vận tải, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường…
Cuối cùng, bản thân mỗi người tham gia giao thông cần có sự thay đổi ở thói quen và nhận thức trong việc lựa chọn phương tiện đảm bảo các tiêu chuẩn về khí phát thải, thường xuyên bảo dưỡng, bảo hành phương tiện định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất, và không nên lưu hành các phương tiện cũ nát để môi trường đô thị thêm xanh./.