Ngã tư Cầu Am là nơi giao nhau của 4 con đường: Ngô Quyền, Ngô Thì Sỹ, Vạn Phúc và Chu Văn An thuộc phường Quang Trung, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Nơi đây có rất nhiều công trường đang được thi công để mở rộng đường, kè bờ nhánh Sông Nhuệ. Mặt khác, do ngã tư không có đèn tín hiệu giao thông nên mỗi khi tan tầm, lưu lượng phương tiện tăng, dễ dẫn đến ùn tắc cục bộ. Điều đó gây ra nhiều khó khăn cho người tham gia giao thông, thậm chí đã có những vụ tai nạn khá nghiêm trọng xảy ra ở ngã tư vào giờ cao điểm.
Vậy mà trong thời gian vài tuần gần đây, tình hình giao thông tại ngã tư Cầu Am diễn ra khá thuận lợi. Đã không còn hiện tượng ùn tắc với những đoàn người đan vào nhau như mắc cửi. Người tham gia giao thông "chấp hành" sự điều hành rất đặc biệt của một con người “đặc biệt” – một anh lái xe ôm.
|
Người điều khiển giao thông “đặc biệt” mặc áo Grab tại ngã tư Cầu Am (Hà Nội). Ảnh: Tuấn Linh
|
Mướt mải mồ hôi trong chiếc áo xanh Grab đặc trưng, “anh xe ôm” di chuyển liên tục giữa dòng người với một chiếc còi và hai cánh tay gầy nhỏ. Mặc dù chưa được đào tạo nghiệp vụ hay trang bị bất cứ công cụ nào cho việc điều khiển giao thông, anh vẫn hăng hái như không biết mệt mỏi giữa giờ cao điểm. Hết đứng dang tay lại thổi còi liên tục, có khi anh đứng ra chặn lại cả dòng người cho phương tiện các hướng lưu thông để tránh xung đột. Dưới sự điều phối của anh, các phương tiện giao thông qua lại nhịp nhàng, suôn sẻ, tình hình ùn tắc tại ngã tư Cầu Am được cải thiện một cách rõ rệt.
Khi việc lưu thông ở ngã tư đã trở lên thông suốt, anh lại trở về bên cạnh chiếc xe máy được dựng ở góc ngã tư đường để nghỉ ngơi. Tôi đi đến bên anh tìm hiểu thì được anh chia sẻ: “Ngày nào cũng đứng ở đây đón khách, thấy ùn tắc nhiều nên anh tự mua một chiếc còi và làm công việc điều khiển giao thông, lúc đầu cũng có người không thực hiện, thậm chí còn tỏ ra khó chịu, song thấy được sự nhiệt tình, vất vả của mình, dần dần họ cũng quen và chấp hành tự giác, có người thấy mình nhiều mồ hôi còn mua nước cho mình giải khát”.
Anh cũng bộc bạch thêm: “Mình làm việc đó vì cảm thấy vui và có ích”. Đến khi tôi hỏi đến tên, tuổi, anh chỉ cười một cách thân thiện: “anh là “anh xe ôm”” rồi phóng xe đi đón khách. Tôi hiểu rằng anh không muốn tiết lộ danh tính, cũng không muốn “đánh bóng” hành động của mình. Đối với anh, việc điều khiển giao thông chỉ đơn giản là một việc làm hữu ích cho cộng đồng.
Tôi nhận ra giữa cuộc sống nhiều lo toan, vẫn đây đó có rất nhiều người tốt, có những tấm gương sáng để chúng ta học tập, noi theo. Họ không phải là người nổi tiếng, cũng không quá giỏi giang nhưng những việc làm của họ thì đầy ý nghĩa và rất đáng khâm phục.
Ở Thủ đô Hà Nội hiện nay, các lực lượng chức năng luôn phải căng mình trong công tác chống ùn tắc, bảo đảm sự thông suốt cho các tuyến đường toàn Thành phố. Tuy nhiên, họ không thể xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Do đó, Hà Nội cần lắm những người “đặc biệt” trên các tuyến phố như “anh xe ôm”./.