Tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19

Thứ năm, 05/08/2021 15:47
(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc tiếp tục được cải thiện, cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Hội nghị trực tuyến tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia) 

Sáng 5/8, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, 6 tháng đầu năm tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc tiếp tục được cải thiện, cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: giảm 582 vụ (-8,4%), giảm 89 người chết (-2,71%) và giảm 570 người bị thương (-11,3%). 

Tuy nhiên, còn một số vấn đề tồn tại, nổi cộm phát sinh trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, điển hình là vụ TNGT tại Thanh Hóa, ngày 22/3/2021 làm 07 người tử vong; 02 vụ TNGT ngày 16/3/2021 tại Hòa Bình và Nghệ An làm 05 người chết và 03 người bị thương…

Hành vi uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện vẫn tiếp tục là thách thức. Mặc dù đã có chuyển biến lớn, nhưng số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao với 123.160 trường hợp vi phạm bị phát hiện (chiếm 7,38% tổng số vi phạm). Điều này cho thấy các chương trình kiểm soát nồng độ cồn đang được thực hiện rất tốt và phát huy tác dụng, tuy nhiên ý thức và hành vi của một bộ phận người dân và sự yếu kém của hệ thống vận tải công cộng tại các địa phương tiếp tục là thách thức lớn trong kiểm soát nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện. 

Bên cạnh đó, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng vi phạm hết sức manh động, liều lĩnh và coi thường pháp luật.

Một hạn chế khác cần khắc phục là tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài xảy ra tại các chốt kiểm soát COVID-19 của một số địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg…

Về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, theo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, nhiều địa phương địa phương chưa chuẩn bị phương án ứng phó COVID-19, áp dụng một cách đột ngột; các giải pháp, hướng dẫn trong vận tải và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 chưa thống nhất và chưa đầy đủ dẫn tới ùn tắc giao thông tại các điểm kiểm soát cửa ngõ ra vào một số địa phương.

Dịch bệnh COVID-19 và các giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 dẫn tới giảm lưu lượng giao thông trên đường, dẫn tới hành vi vi phạm tốc độ và phát sinh đua xe trái phép.

Hành lang pháp lý để ứng phó xử lý với các hành vi chống người thi hành công vụ trong bảo đảm TTATGT mặc dù đã có nhưng chưa đủ nhanh và chưa đủ mạnh để xử lý hiệu quả hành vi này...

 Người lưu thông qua một chốt kiểm soát dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) xuất trình giấy tờ cho lực lượng chức năng. (Nguồn: thanhnien.vn)


Về nhiệm vụ thời gian tới, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết cần thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, duy trì các hoạt động tuyên truyền bảo đảm TTATGT kết hợp phòng chống COVID-19, cũng như duy trì các hoạt động thanh tra (việc tuân thủ các điều kiện, quy định kinh doanh vận tải), kiểm tra xử lý vi phạm (nồng độ cồn, ma túy...), gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Xây dựng phương án phòng, chống đua xe trái phép và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ, nếu đủ căn cứ tiến hành truy tố đối với các đối tượng quá khích, manh động để tạo sức răn đe và đảm bảo tính nghiêm minh, theo quy định của pháp luật.  

Chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương giáp ranh xây dựng phương án phân luồng, tổ chức giao thông và bố trí các điểm xét nghiệm COVID-19 cho lái xe kinh doanh vận tải, người dân đi qua địa bàn tỉnh, thành phố và tại các điểm trung chuyển hàng hóa phù hợp với yêu cầu kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo hoạt động vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hoá thông suốt trên địa bàn. Xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải, các lái xe vi phạm quy định pháp luật, làm lây lan dịch bệnh COVID-19 trong quá trình vận tải (truy tố nếu đủ căn cứ).

Các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải kiên quyết thực hiện nghiêm Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không để người dân tự ý di chuyển khỏi tỉnh, thành phố. Đối với trường hợp các tỉnh, thành phố đứng ra tổ chức đón người dân về quê (nếu được phép của cấp có thẩm quyền) thì cần có phương án tổ chức, lộ trình di chuyển cụ thể, đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố mà đoàn đi qua (nếu đi bằng đường bộ) bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn tính mạng người dân và thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ.

Chủ động xây dựng phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, không để bị động, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông khi người dân tiếp tục di chuyển về địa phương (bằng các phương tiện vận tải đường bộ) ngay sau khi các tỉnh, thành phố dừng giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. 

Tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT với một số hành vi trở nên phổ biến trong điều kiện có dịch COVID-19 (vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, quá tải trọng...).

Tại hội nghị, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban An toàn giao thông một số tỉnh đã đề xuất các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực