Thái Nguyên: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Thứ ba, 18/07/2023 15:26
(ĐCSVN) - 6 tháng cuối năm, tỉnh Thái Nguyên sẽ tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa...
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Nguyên) kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông tại đầu cầu Đa Phúc (TP. Phổ Yên) 

Xếp vị trí thứ nhất toàn quốc trong số các tỉnh giảm tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cơ bản được giữ ổn định. Các lực lượng chức năng đã duy trì thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT. Toàn tỉnh xảy ra 42 vụ tai nạn giao thông, làm chết 03 người, bị thương 47 người. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 09 vụ (-17,6%), giảm 09 người chết (-75%), giảm 02 người bị thương (-4,08%), đưa Thái Nguyên xếp vị trí thứ nhất toàn quốc trong số các tỉnh giảm tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2023. 

Thái Nguyên cũng là một trong số ít tỉnh đã có 12 năm liên tục giảm số người chết do tai nạn giao thông (2011-2022).

Theo đánh giá, để đạt được những kết quả nêu trên là do sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã hội của tỉnh. 

 

Cụ thể, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện quyết liệt các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Tỉnh ủy đã sớm ban hành Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 03/7/2023 cụ thể hoá các nội dung triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới phù hợp với thực tế trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông, thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc đồng bộ, tích cực thực hiện các giải pháp trong công tác đảm bảo an toàn giao thông; đặc biệt là việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp của Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên trên cả 3 tiêu chí. 

Xây dựng Quy chế hoạt động của Ban ATGT tỉnh và Quy định, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban ATGT cấp huyện, thành phố; quy định rõ trách nhiệm từng thành viên ban chỉ đạo, đặc biệt là vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức họp giao ban định kỳ theo quy chế mỗi quý một lần để kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác bảo đảm TTATGT.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí; được triển khai kịp thời, đồng bộ, đến mọi tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền đến Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, học sinh, sinh viên và công nhân trong các khu công nghiệp với nội dung phong phú, phù hợp mọi lứa tuổi; hình thức tuyên truyền được đổi mới kết hợp tuyên truyền trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook…

Hạ tầng giao thông tỉnh Thái Nguyên được quan tâm đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng bằng nhiều hình thức, đang ngày càng hoàn chỉnh và đồng bộ (Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 3 cũ, Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai V - Hà Nội, đã khởi công tuyến đường liên kết vùng (Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc) và các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn…).

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Giao thông vận tải như: Công tác quản lý vận tải; công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm vi phạm trật tự an toàn giao thông; công tác kiểm tra xử lý vi phạm tải trọng phương tiện... được thực hiện tốt. Mạng lưới giao thông công cộng được phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, đến nay 100% các huyện, thành phố đã có xe bus, xe taxi phục vụ.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, có sự kết hợp chặt chẽ giữa cưỡng chế thi hành pháp luật với tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến tích cực nhận thức, ý thức, hành vi thái độ, cách ứng xử của người tham gia giao thông. Công an tỉnh đã thành lập 09 tổ chuyên đề thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT trên địa bàn 09 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tập trung xử lý các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, đi sai phấn đường, vi phạm tốc độ, lạng lách, đánh võng, đặc biệt riêng với nồng độ cồn trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xử phạt 6.483 trường hợp, tăng 5.561 trường hợp so với 6 tháng đầu năm 2022 (6 tháng đầu năm 2022 phạt 922 trường hợp); lực lượng Công an đã điều tra, xác minh làm rõ 01 vụ gây rối trật tự công cộng trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới; khởi tố đối với 07 đối tượng có hành vi bốc đầu xe mô tô; tuyên án 48 tháng tù giam đối với 07 đối tượng tham gia vụ gây rối trật tự công cộng.  

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đảm bảo TTATGT, tỉnh Thái Nguyên xác định tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm trong Quý III năm 2023.

Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 03/7/2023 của Tỉnh uỷ; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Đề án “Tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch hành động số 46/KH-UBND ngày 12/3/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược Quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về bảo đảm TTATGT theo Kế hoạch số 10/KH-BATGT ngày 02/02/2023 của Ban An toàn giao thông tỉnh về triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2023.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông báo chí, tuyên truyền đến người dân khu vực nông thôn, miền núi, công nhân ở các khu công nghiệp, sử dụng, khai thác để tuyên truyền trên hạ tầng số và các trang mạng xã hội.

Bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trong mùa mưa bão; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát, thống kê và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường các giải pháp tổ chức giao thông; giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông, vỉa hè, lòng đường, bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng; siết chặt công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, công tác kiểm định chất lượng phương tiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

Mặt khác, phối hợp xây dựng các trạm, điểm sơ cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông. Kết hợp tập huấn nghiệp vụ sơ cấp cứu cho các tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tham gia tại các trạm, điểm sơ cấp cứu, người dân sinh sống dọc tuyến đường giao thông./.

TG

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực