Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 TP. Hồ Chí Minh

Thứ ba, 25/07/2023 14:19
(ĐCSVN) - Việc nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 có sự liên quan chặt chẽ với kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng các khu bến trên sông Sài Gòn; đề nghị rà soát, bổ sung làm rõ sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển TP. Hồ Chí Minh và quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP. Hồ Chí Minh.

Cần lưu ý rà soát, cập nhật quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 vào quy hoạch thành phố, đảm bảo việc đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nội dung được Bộ Giao thông vận tải gửi Sở Giao thông vận tải T.P Hồ Chí Minh về tham gia ý kiến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 (TP. Hồ Chí Minh).

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc uốn lượn độc đáo, dài gần 1,5 km, được thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m, với 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 1.082 tỷ đồng (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 vượt sông Sài Gòn phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai lập quy hoạch thành phố thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, Sở Giao thông vận tải cần lưu ý rà soát, cập nhật quy hoạch cầu Thủ Thiêm 4 vào quy hoạch thành phố để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo việc đầu tư dự án phù hợp với quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc nghiên cứu đầu tư cầu Thủ Thiêm 4 có sự liên quan chặt chẽ với kế hoạch di dời, chuyển đổi công năng các khu bến trên sông Sài Gòn; đề nghị rà soát, bổ sung làm rõ sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển TP. Hồ Chí Minh và quy hoạch sử dụng đất và phát triển không gian đô thị của TP. Hồ Chí Minh.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trên cơ sở so sánh 4 phương án vị trí điểm đầu dự án, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại vị trí trước nút giao với cầu Tân Thuận 2 sẽ làm giảm áp lực giao thông lên nút giao với cầu Tân Thuận 2 và nút giao với đường Huỳnh Tấn Phát đang trong tình trạng quá tải. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong tương lai, khi lưu lượng giao thông tại nút giao vào cầu Tân Thuận 2 quá tải cần xem xét hoàn thiện thành nút giao liên thông theo quy hoạch được duyệt. Ngoài ra, trong điều kiện kinh phí cho phép, đề nghị nghiên cứu thêm phương án xây dựng cầu cạn nối thẳng từ đầu cầu Thủ Thiêm 4 dọc theo đường Huỳnh Tấn Phát và kết nối vào đường Vành đai 2. Ngoài ra, tư vấn cần bổ sung các phân tích, đánh giá làm cơ sở lựa chọn phương án thiết kế cầu phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa các tiêu chí và hiệu quả đầu tư của dự án. 

Đối với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tư vấn rà soát, làm rõ chức năng về giao thông trong đô thị để làm cơ sở xác định phân loại đường đô thị; rà soát hệ số năng lực thông hành khi tính toán số làn xe. Trong trường hợp tách riêng làn xe cơ giới và làn xe máy, đề nghị tách riêng lưu lượng xe quy đổi giờ cao điểm của xe cơ giới và xe máy khi xác định số làn xe yêu cầu đối với từng loại.

Về phương án đầu tư, dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công ty), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); trong đó, phân chia thành 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 - BOT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 phần nhịp chính và cầu dẫn phía thành phố Thủ Đức; dự án thành phần 2 - ngân sách nhà nước bồi thường hỗ trợ và tái định cư và xây dựng phần đường dẫn, cầu dẫn phía Quận 7.

Theo Bộ Giao thông vận tải, vừa qua Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; trong đó, cho phép thành phố được áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) để xây dựng công trình hạ tầng và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước. Do đó, Sở Giao thông vận tải cũng như tư vấn cần rà soát, nghiên cứu bổ sung thêm phương án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT làm cơ sở so sánh, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị rà soát, cập nhật một số tiêu chuẩn đã hết hiệu lực; bổ sung thêm tiêu chuẩn “đường đô thị - yêu cầu thiết kế” vào danh mục các tiêu chuẩn áp dụng cho dự án; rà soát, tính toán sơ bộ chi phí giải phóng mặt bằng phù hợp với cơ chế, chính sách hiện hành để hạn chế điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai thực hiện.

Tiến Lực

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực