Tại Thông báo số 119/TB-VPCP ngày 10/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2023 nêu rõ: Bộ Công an tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, trong đó tiếp tục duy trì chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không thắt dây an toàn trên ô tô...
|
Ảnh minh họa. Ảnh: BLĐ |
Đặc biệt, tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm của lái xe, chủ xe ô tô kinh doanh vận tải; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án "Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông".
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường, địa phương; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các "điểm đen", các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Xây dựng văn hóa giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu
Ngoài ra, Thông báo chỉ rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên trong dịp nghỉ lễ 30/04-01/5, nghỉ hè và kỳ thi Quốc gia năm 2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động tổng hợp, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông về bảo đảm TTATGT và có định hướng, chỉ đạo kịp thời công tác tuyên truyền ATGT.
Các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đổi mới phương thức tuyên truyền để nội dung tuyên truyền ATGT hấp dẫn hơn; xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; tập trung xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; đưa nội dung giáo dục tuyên truyền ATGT vào chương trình sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể.
Kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2023 tại địa phương; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương sơ kết công tác bảo đảm TTTAGT quý I và định hướng nhiệm vụ quý II năm 2023; triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm TTATGT đợt nghỉ lễ 30/4 -01/5 và cao điểm Hè 2023; chủ động trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong bảo đảm TTATGT; tăng cường kiểm tra chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa trên địa bàn; ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí bảo trì đường bộ để khắc phục các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" TNGT trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2023 tại địa phương - Duy trì thường xuyên và liên tục các hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT theo chỉ đạo của Bộ Công an, kế hoạch năm ATGT 2023 của địa phương; ưu tiên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe; chở hàng hoá quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu đường và các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT... nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo đảm TTATGT.
Đối với các tỉnh, thành phố có TNGT tăng cao trong quý I, đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, lĩnh vực để xảy ra TNGT tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT.
Tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường tại các đô thị trực thuộc trung ương
UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp về phòng, chống ùn tắc giao thông phát huy hiệu quả hoạt động của các tuyến đường sắt đô thị sau khi chính thức được đưa vào khai thác sử dụng;
Chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên khảo sát, phát hiện cập nhật các bất cập, điều chỉnh phân luồng và tổ chức giao thông hợp lý;
Tập trung lập lại trật tự lòng, lề đường; ưu tiên sử dụng lề đường, vỉa hè cho người đi bộ và bố trí điểm dừng đón/trả khách cho xe buýt; xử lý nghiêm các hành vi sử dụng trái phép lòng, lề đường, hè phố; khuyến khích phát triển và sử dụng vận tải công cộng gắn với đi bộ và đi xe đạp; quan tâm bảo đảm ATGT cho trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật./.