Chính phủ vừa có gửi Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023 đến Quốc hội.
Theo báo cáo, về công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Kế hoạch bảo trì KCHTGT năm 2022 đối với hệ thống quốc lộ, Đường thủy nội địa, Hàng hải, Đường sắt, Hàng không và giao Tổng cục ĐBVN (từ 01/10/2022 là Cục Đường bộ Việt Nam), các Cục Quản lý chuyên ngành triển khai thực hiện theo quy định nhằm quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt trên cả 5 lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức vận hành khai thác và bảo trì KCHTGT nhằm bảo vệ kết cấu công trình và đảm bảo an toàn giao thông, trong đó đặc biệt chú ý về công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các vị trí đường ngang giao với đường sắt…
Cụ thể, trong lĩnh vực đường bộ, trong 9 tháng đầu năm đã xử lý 45 điểm đen, trong đó có 08 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông thực hiện theo kiến nghị của lực lượng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương .
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: atgt.vn) |
Về lĩnh vực đường sắt, tính đến 31/8 đã phối hợp cùng địa phương thực hiện rào thu hẹp tại 1.455/1.808 vị trí (đạt 80,47%); cắm biển “CHÚ Ý TÀU HỎA” tại 2.969/3.623 vị trí (đạt 81,94%); tổ chức cảnh giới an toàn giao thông tại 376/601 vị trí giao cắt (62,56%); cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới tại các lối đi tự mở công cộng có chiều rộng ≥ 3m là: 187/755 vị trí (24,7%); đã kết nối duy trì tín hiệu đường bộ - đường sắt tại 39 điểm... Theo báo cáo, trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 08 điểm đen, 1.282 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt.
Về lĩnh vực đường thủy nội địa, báo cáo cho biết, hiện triển khai kiểm tra, bàn giao mặt bằng; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, tổ chức đấu thầu và triển khai thi công các dự án bảo trì tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia năm 2022; kiểm tra, thực hiện các công tác nghiệp vụ thanh thải chướng ngại vật, sửa chữa kè, nạo vét đảm bảo giao thông theo kế hoạch năm 2022 như: các công trình thanh thải trụ cũ cầu Đuống, sông Đuống, nạo vét đảm bảo giao thông kênh rạch Cái Côn - Quản Lộ Phụng Hiệp, sông Tắc Thủ - Gành Hào…
Về lĩnh vực hàng hải, Chính phủ cho biết hiện đang tiếp tục triển khai các dự án được phân bổ vốn 2021-2025 trong kế hoạch năm 2022, như: dự án Đóng mới 01 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ; dự án thiết lập Đài vệ tinh Cospas Sarsat thế hệ mới MEOLUT; dự án đầu tư 02 tàu tiếp tế, kiểm tra trên biển khu vực Trường Sa, các đảo xa bờ khu vực phía Nam và các đảo xa bờ khu vực phía Bắc và các dự án nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải...
Về lĩnh vực hàng không hiện đang triển khai 13 kế hoạch bảo trì công trình hàng không năm 2022 trên tổng số 20 đơn vị trực thuộc./.