Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp

Thứ ba, 16/04/2024 15:30
(ĐCSVN) - Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, đổi mới của các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Thu Hồng tin tưởng tổ chức hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ ngày càng phát triển, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng trao đổi tại hội nghị.. 

Ngày 16/4, đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang chủ trì Hội nghị đối thoại với cán bộ chủ chốt Hội Nông dân (HND) cơ sở năm 2024. Cùng dự có đồng chí Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ban, ngành.

Nhiều đề xuất liên quan đến cơ chế, chính sách đã được các đại biểu đưa ra và tập trung trao đổi, xoay quanh một số nhóm vấn đề chính như: Tổ chức bộ máy cán bộ; cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động của tổ chức hội; phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp; bảo đảm an ninh trật tự tại nông thôn…

Theo đó, các đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng tỷ lệ chủ tịch HND cơ sở tham gia cấp ủy trong nhiệm kỳ 2025-2030; quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên đối với Phó Chủ tịch HND cơ sở phấn đấu, cống hiến; quan tâm chỉ đạo các huyện, thị xã, TP và UBND cấp xã định kỳ trích ngân sách địa phương bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân; giải pháp, phương án cụ thể hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp… Một số đại biểu cũng nêu những khó khăn trong tiêu thụ nông sản và đề nghị hỗ trợ kết nối với đối tác nhằm mở rộng thị trường; hỗ trợ cây, con giống và gia hạn thời hạn trả lãi, nợ gốc cho một số nông dân huyện Lục Ngạn trong điều kiện vải thiều mất mùa.

 Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu tại hội nghị đối thoại.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh có ý kiến trao đổi, giải đáp kịp thời các đề xuất của đại biểu về tỷ lệ Chủ tịch HND tham gia cấp uỷ còn thấp; về chuyển đổi số trong nông nghiệp; về xúc tiến, tiêu thụ nông sản;...

Theo đồng chí Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, HND đã làm tốt vai trò tập hợp hội viên tham gia và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên trong giai đoạn mới, HND cần chủ động, đề xuất các cơ chế, chính sách cùng chung tay xây dựng ngôi nhà chung HND và giữ vai trò điều phối trong ngôi nhà ấy.

Căn cứ đề án, kế hoạch, hằng năm các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch đề xuất với cấp uỷ, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện; tích cực phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc lồng ghép, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa, đối ứng trong nhân dân triển khai thực hiện đề án hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Hồng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, thẳng thắn của các cán bộ HND cấp cơ sở; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. Đồng chí giao HND tỉnh phối hợp tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, tham mưu xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí cho rằng, kết quả công tác hội và phong trào nông dân những năm qua đã có đóng góp quan trọng, tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp luôn được tỉnh xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, điều này càng thể hiện rõ trong đại dịch COVID-19 vì tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh kết quả đạt được, đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế trong hoạt đông của HND như: Phong trào của nông dân có nơi còn trầm lắng, chưa khẳng định rõ vai trò, vị trí của nông dân; một số mô hình do nông dân chủ trì chưa thực sự hiệu quả.

Các đại biểu dự hội nghị. 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm trên 80% dân số của tỉnh sống ở khu vực nông thôn; lao động nông nghiệp chiếm 38,4% tổng số lao động xã hội toàn tỉnh. Để tiếp tục phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng chí đề nghị các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng thiết thực, hướng về cơ sở, khắc phục bệnh thành tích.

Tổ chức tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa... Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút hội viên; khơi dậy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên phát triển của người nông dân. Chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để thực hiện tốt các chương trình, đề án, đặc biệt là đề án "HND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025".

 Chủ tịch HND phường Đa Mai (TP Bắc Giang) đặt câu hỏi.

Tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Hoạt động đào tạo nghề phải sát thực, đáp ứng yêu cầu đề ra. Phát huy vai trò của Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc HND tỉnh; sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân. Quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành quan tâm cơ chế chính sách cho cán bộ đoàn thể nói chung, HND nói riêng. Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, trách nhiệm, đổi mới của các cấp hội, cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh, đồng chí tin tưởng tổ chức hội và phong trào nông dân của tỉnh sẽ ngày càng phát triển, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực