Bao giờ Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất hoạt động?

Thứ năm, 31/10/2019 08:44
(ĐCSVN) – Cho rằng Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, nhiều người dân khu vực gần nhà máy đã tụ tập, ngăn cản khiến nhà máy này ngừng hoạt động từ tháng 5/2015 đến nay. Việc ngừng hoạt động này đã làm cho nhà máy có nguy cơ phá sản, công nhân mất việc….

Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần ra văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ngãi và các ngành chức năng khẩn trương rà soát, xử lý, giải quyết các vướng mắc để Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất sớm hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp, chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nhưng vụ việc vẫn "giẫm chân" tại chỗ, không có chuyển biến.

Doanh nghiệp tiếp tục kêu cứu

Ngày 14/10, lại thêm một lần nữa, Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất, thuộc Công ty CP Xi măng Miền Trung lại gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vì sản xuất hoàn toàn đình trệ kể từ tháng 5/2015 đến nay.

Đơn kêu cứu cho biết: Dù đang ngưng trệ sản xuất, Nhà máy xi măng Đại Việt – Dung Quất vẫn nỗ lực khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng QCVN 23: 2009/BTNMT và các quy định pháp luật có liên quan.

Việc ngưng hoạt động kéo dài, nhiều thiết bị, máy móc
của Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất có nguy cơ bị xuống cấp, hư hỏng.

Trước những nỗ lực của nhà máy, giữa năm 2018, Cục Bảo vệ Môi trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra và xác nhận Nhà máy đã hoàn thành việc triển khai các biện pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường; đồng thời đề nghị doanh nghiệp lập kế hoạch vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống, thông báo đến UBND tỉnh và các cơ quan liên quan, tiến hành quan trắc môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra cấp giấy xác nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Kể từ đó tới nay, Công ty CP XM Miền Trung đã 6 lần lập kế hoạch vận hành thử nghiệm, vệ sinh thiết bị máy móc, sẵn sàng cho vận hành thử nghiệm để hoàn thiện quan trắc môi trường. Các báo cáo về kế hoạch vận hành thử nghiệm được gửi đến UBND tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng liên quan, tuy nhiên không cơ quan nào đứng ra trả lời, chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm và hoàn thiện quan trắc môi trường. Vì thế, nhà máy tiếp tục “nằm im” không thời hạn, vì hễ có dấu hiệu chuẩn bị chạy thử máy móc là người dân sống gần Nhà máy lại kéo ra ngăn chặn, dựng lều trại không cho xe ra vào, khiến Nhà máy không vận hành được.

Theo Công ty CP XM Miền Trung, việc ngưng hoạt động kéo dài suốt 4 năm qua nhưng vẫn phải chuẩn bị, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị nhiều lần đã dẫn đến hàng trăm người lao động bị mất việc làm, gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp và vốn góp của Nhà nước. Đến nay, lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu, Công ty không có tiền để trả nợ. Một số ngân hàng và các nhà cung cấp đã khởi kiện ra tòa án. Công ty đã nhiều lần báo cáo nguy cơ phá sản.

Bài toán khó giải từ kinh phí…

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vướng mắc kéo dài 4 năm qua khiến Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất không thể hoạt động chính là không có kinh phí để di dời dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của Nhà máy, bởi số tiền để bố trí di dời dân quá lớn đối với ngân sách tỉnh (gần 1.000 tỷ đồng).

Trong khi đó, theo ông Hà Đức Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế (QLKKT) Dung Quất, khu vực mà nhà máy này hoạt động đã được tỉnh quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp (KCN) nặng Đông Dung Quất. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải di dời dân ra ngoài. Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 2007- 2008 khi có quy hoạch trên, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh và huyện đều cho rằng: Việc di dời dân đợi sau khi có kinh phí sẽ tiến hành, nhiệm vụ trước mắt là kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào đây.

Thế nhưng, trong quá trình thực hiện kêu gọi đầu tư, hoạt động của một số đơn vị khi đầu tư vào đây do công nghệ chưa đáp ứng đã ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Trước tình hình đó, người dân trong khu vực đã kiến nghị, yêu cầu các đơn vị sản xuất tại đây (trong đó có Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất) phải ngưng hoạt động đến khi họ được di dời ra khỏi khu vực.

Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất ngưng hoạt động 4 năm qua. 

Trước thực tế đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 36 tỷ đồng, di dời 107 hộ dân trong phạm vi 50 m tính từ chân hàng rào nhà máy; đồng thời tiếp tục xây dựng lộ trình di dời 1.864 hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng, chia làm 3 giai đoạn với tổng kinh phí khoảng 990 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn quá lớn, UBND tỉnh Quảng Ngãi không thể có đủ nguồn kinh phí để thực hiện nên phải có văn bản gửi Chính phủ, trình phương án di dời gần 2.000 hộ dân sống gần các nhà máy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí 364 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để tỉnh lập phương án, lộ trình, kế hoạch di dời dân xung quanh các nhà máy sản xuất trong KCN nặng Đông Dung Quất càng sớm càng tốt.

Theo ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi): Có hơn 2.000 hộ dân 2 thôn Tân Hy và Sơn Trà nằm trong khu vực quy hoạch KCN nặng này cần được di dời. Hiện nay, không chỉ nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất mà Liên hợp gang thép Hòa Phát – Dung Quất và nhiều nhà máy trong KCN nặng Đông Dung Quất đã và đang xây dựng ngay cạnh khu vực dân cư. Nhiều nhà máy quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Vì thế, việc di dời dân không thể trì hoãn, hạn chế việc người dân bức xúc vì ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nước thải… đang ngày càng nghiêm trọng.

Đã 3 lần Chính phủ có văn bản chỉ đạo….

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 45/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu sớm giải quyết các vấn đề liên quan để Nhà máy xi măng Đại Việt-  Dung Quất hoạt động trở lại.

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống ổn định, lâu dài của các hộ dân đang sinh sống trong KCN này, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ riêng đối với Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất mà còn các nhà máy khác một cách tổng thể. Về lâu dài, cần thực hiện di dời các hộ dân đến nơi ở mới theo quy hoạch… Việc di dời các hộ dân sẽ tạo thêm quỹ đất để các doanh nghiệp khác vào đầu tư nên cần có các giải pháp để thu hút đầu tư khu vực này…

Trước tình hình đó, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; UBND xã Bình Đông có 20 báo cáo liên quan việc người dân tụ tập, ngăn cản nhà máy xi măng Đại Việt - Quang Quất hoạt động; chính quyền huyện Bình Sơn hàng chục lần tổ chức họp dân, đối thoại, lắng nghe…, nhưng mọi việc vẫn không thay đổi...

Bế tắc vì dừng hoạt động 4 năm qua, Nhà máy ngày càng xuống cấp trầm trọng, lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các ngành chức năng, địa phương liên quan của tỉnh để xử lý dứt điểm vụ việc, đúng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực