(ĐCSVN) – Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, những năm gần đây, việc xã hội hóa hoạt động công chứng một cách sâu rộng đã mang lại những lợi ích to lớn cho Nhà nước, xã hội và công dân, góp phần cải cách thủ tục hành chính theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, việc một số tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) có công chứng viên (CCV) thực hiện không đúng các quy định của pháp luật trong quá trình tác nghiệp đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đối với cá nhân, tổ chức có liên quan...
Bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Video: Hữu Hậu - Quang Chiến
Thanh tra thường xuyên nhưng vẫn có sai phạm
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 2/2017, cả nước có gần 900 TCHNCC được thành lập với hàng nghìn CCV. Công chứng đã trở thành một nghề quan trọng trong đời sống xã hội. Sau khi Luật Công chứng ra đời năm 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, hoạt động công chứng đã đi vào nề nếp, chuyên nghiệp. Uy tín của các TCHNCC đối với xã hội ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số TCHNCC đã có những hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả cho tổ chức, cá nhân. Nhiều CCV, TCHNCC có sai phạm đã bị xử lý theo pháp luật. Qua đó, có thể thấy, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, thì khó có thể ngăn chặn được những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề công chứng.
Thời gian vừa qua, Ban Bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều phản ánh liên quan đến các dấu hiệu sai phạm trong hoạt động của Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu có trụ sở tại huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Theo đó, khi đến làm thủ tục chứng thực tại Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu, người có nhu cầu chứng thực sẽ không cần phải xuất trình “bản chính” của giấy tờ gốc để đối chiếu. Điều này đã được nhóm phóng viên đề cập trong phóng sự “Sao y bản chính mà không cần bản chính” của Trung tâm Tin tức VTV24 phát trên Kênh VTV1, ngày 28/2/2017. Để ghi lại clip, các phóng viên VTV1 đã nhập vai người đi thực hiện các thủ tục chứng thực tại cơ sở này. Theo phản ánh, thì việc làm này đã diễn ra công khai và kéo dài rất nhiều năm ở Văn phòng này.
Cụ thể, dù không có bản chính nhưng chỉ với 3.000 đồng, nhóm phóng viên đã có được 1 bản sao với dấu đỏ “Sao y bản chính”. Nói cách khác, tại Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu, người dân có thể thực hiện việc chứng thực “Sao y bản chính mà không cần bản chính”. Chỉ với số tiền 600.000 đồng, nhóm phóng viên đã được CCV ở đây làm thủ tục chứng thực cho 200 văn bản khác nhau từ chứng chỉ hành nghề, kết quả thử nghiệm, cho đến giấy chứng nhận an toàn thực phẩm... Theo một CCV tại Văn phòng này, mỗi ngày số lượng văn bản, tài liệu được chứng thực theo “cách” này có thể lên tới cả vạn bản.
Như vậy, có thể thấy hành vi của các CCV Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu là việc làm trái với quy định của Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 26/2/2015 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, và vi phạm Thông tư 11/2012 ngày 30/10/2012 do Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.
Hành vi sai phạm này không chỉ gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho xã hội mà còn làm ảnh hưởng tới uy tín của đội ngũ những người đang hành nghề công chứng chân chính. Bởi như chúng ta đều biết khi những tài liệu, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức với tính chất quan trọng khác nhau, các văn bằng, chứng chỉ khi “đã được sao y bản chính mà không đối chiếu với bản chính” được sử dụng vào các giao dịch dân sự, kinh tế, hành chính…thì hậu quả do nó gây ra sẽ là như thế nào cho xã hội.
Được biết, trước những thông tin báo chí phản ánh, Sở Tư pháp Hà Nội với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn Thủ đô đã thành lập Đoàn thanh tra và tiến hành thanh tra một số nội dung đối với Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu. Kết thúc quá trình thanh tra, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đã có kết luận số 127/KL-TTr ký ngày 23/5/2017, nội dung kết luận đã chỉ ra rất nhiều sai phạm, tồn tại, thiếu sót trong quá trình hoạt động của Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu, đặc biệt là hành vi vi phạm trong thực hiện chứng thực bản sao không cần bản chính... Nội dung kết luận chỉ rõ: “CCV Nguyễn Văn Thu đã thực hiện chứng thực 25 bản sao nhưng không kiểm tra bản chính, để ký chứng thực bản sao” và ngoài ra còn nhiều các sai phạm khác.
Tạm đình chỉ thực hiện công chứng bản dịch, chứng thực bản sao đã đúng luật?
Với những sai phạm nghiêm trọng kể trên, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội đã ban hành một số quyết định, cụ thể: Quyết định số 03/QĐ -TTrSTP ngày 28/4/2017 tạm đình chỉ thực hiện hoạt động công chứng bản dịch, chứng thực bản sao từ bản chính của các CCV thuộc Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu; quyết định số 06/QĐ-XPVPHC ngày 12/5/2017 xử phạt vi phạm hành chính cá nhân CCV Nguyễn Văn Thu về 05 hành vi vi phạm kèm số tiền phạt là 29.500.000 đồng; quyết định số 05/QĐ-XPVPPHC ngày 12/5/2017, quyết định số 07/QĐ-XPVPPHC ngày 23/5/2017 xử phạt Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu với 8 hành vi vi phạm kèm theo mức phạt tiền 32.300.000 đồng; quyết định số 04/QĐ-XPVPPHC ngày 12/5/2017, xử phạt vi phạm hành chính với CCV Đào Thị Công, kèm theo mức phạt là 6.000.000 đồng.
Quyết định số 03/QĐ -TTrSTP ngày 28/4/2017 tạm đình chỉ thực hiện công chứng bản dịch, chứng thực bản sao từ bản chính của các CCV thuộc Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh sai phạm của Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu, bà Tống Thị Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cho biết: “Sai phạm tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Văn Thu trước hết là do lỗi của những người trực tiếp thực hiện việc chứng thực bản sao từ bản chính và trách nhiệm của Trưởng Văn phòng. Đoàn Thanh tra của Sở cũng đã đề nghị Công an thành phố Hà Nội phối hợp tiếp tục xác minh, làm rõ và nếu có căn cứ gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.
Về vần đề này, Luật gia Nguyễn Trọng Thành – Hội viên Hội Luật gia tỉnh Lào Cai, người đã có thâm niên trên 25 năm gắn bó với nghề công chứng, trên 20 năm làm công tác quản lý và hiện đang là CCV - Trưởng một Văn phòng công chứng, phân tích: Theo kết luận thanh tra và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Sở Tư pháp Hà Nội với CCV và Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu thì thấy rõ những sai phạm của Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu cùng các CCV là rất nghiêm trọng. Hành vi vi phạm của các CCV của Văn phòng này đã vi phạm trình tự công chứng, chứng thực theo quy định của Luật Công chứng 2014 và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Vì vậy, việc xử lý đối với các sai phạm phải thật nghiêm minh. Theo quy định của pháp luật thì Sở Tư pháp địa phương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công chứng, chứng thực. Nên Sở Tư pháp có quyền ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề của CCV theo quy định của Luật Công chứng 2014. Nhưng qua sự việc trên, Sở Tư pháp Hà Nội mới chỉ xử lý về hành chính và tạm đình chỉ hoạt động công chứng bản dịch, chứng thực bản sao là không đúng quy định của pháp luật, vì CCV Nguyễn Văn Thu không chỉ là một CCV đơn thuần mà còn có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho các CCV và cán bộ trong văn phòng. Ngoài ra với vai trò quản lý, CCV Nguyễn Văn Thu còn phải kiểm tra, giám sát các hoạt động của CCV, cán bộ trong TCHNCC và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng. Luật gia Thành cho rằng, Sở Tư pháp Hà Nội cần phải tạm đình chỉ hành nghề của CCV Nguyễn Văn Thu, đồng thời cần xem xét vai trò người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo và điều hành vì đã để xảy ra sai phạm.
Theo Luật gia Nguyễn Trọng Thành, thời gian qua, một số CCV đã được bổ nhiệm “quá dễ dãi", phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng quá rộng, thời gian đào tạo nghề quá ngắn, cho nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu khi ra hành nghề. Vì vậy để họat động công chứng, chứng thực thực sự phát huy tối đa hiệu quả phòng ngừa và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch thì rất cần thiết phải sớm sửa đổi Luật Công chứng theo hướng thật nghiêm khắc. Đảm bảo mỗi CCV thực sự là một thẩm phán phòng ngừa và sớm bổ sung vào Luật Công chứng các hình thức xử lý như: Thu hồi thẻ CCV và cấm hành nghề công chứng vĩnh viễn hoặc có thời hạn. Như vậy mới có thể hạn chế tối đa hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức hành nghề của CCV.
Thực tế đã có không ít các tổ chức, cá nhân trở thành nạn nhân của các văn bản, tài liệu do CCV của TCHNCC công chứng, chứng thực không đúng quy định. Những văn bản, tài liệu này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế...mà trong nhiều trường hợp còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Dư luận cùng nhiều CCV đã và đang hành nghề công chứng chân chính có quyền đặt câu hỏi: Liệu có sự nương nhẹ, thiếu thuyết phục trong quyết định của Sở Tư pháp Hà Nội? Với cách xử lý như vậy, đã đảm bảo sự nghiêm minh trước những sai phạm của Văn phòng công chứng Nguyễn Văn Thu? Cách xử lý như trên liệu có tạo ra tiền lệ coi thường pháp luật?
Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, những nhà quản lý trong lĩnh vực bổ trợ Tư pháp Thủ đô!
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này./.