Nhiều khu bất động sản giá trị lớn có còn thuộc quyền quản lý của Công ty?
Theo nội dung đơn phản ánh, kiến nghị gửi tới Công ty EMJ và cơ quan chức năng của nhiều cổ đông, Công ty EMJ được giao quyền quản lý và sử dụng khu đất 16.000m2 tại số 2 dốc cầu Long Biên từ năm 1971 (giao đất có thu tiền sử dụng đất). Trên nền đất này được đầu tư xây dựng 7000m2 nhà kết cấu khung thép dùng làm kho vật tư thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Sau khi ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT lên phương án sử dụng khu đất kho số 2 Ái Mộ hiệu quả đem lại lợi ích cho công ty và cổ đông thì lãnh đạo công ty gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và Phó Chủ tịch Cao Văn Thân đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tiến hành thanh lý toàn bộ tài sản nhà kho, trang thiết bị tại đây để thu lợi nhưng không hề thông qua ĐHCĐ, tự ý triển khai thực hiện, thu lợi cá nhân, không đưa vào hoạch toán, không báo cáo tài chính kinh doanh.
|
Hợp đồng vay vốn và đề nghị thanh toán số tiền vay giữa cổ đông và Công ty EMJ.
(Ảnh: T.Q).
|
Trong khi đó, cũng từ năm 1971, Công ty EMJ được giao quyền quản lý và sử dụng 14.000 m2 tại số 92 Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội (giao đất có thu tiền sử dụng đất). Sau khi đầu tư nhà xưởng để làm nhà máy sản xuất dây và cáp điện ELMACO, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm cán bộ công nhân viên. Tuy nhiên, đến năm 2017, khi nhà máy đang hoạt động có hiệu quả, thì Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và Phó Chủ tịch Cao Văn Thân đã lợi dụng quyền hạn, “ép” nhà máy ngừng hoạt động, chuyển toàn bộ máy móc thiết bị của dây chuyển sản xuất dây và cáp điện; đặc biệt, nghiêm trọng hơn, là tự ý không thông qua ĐHCĐ mà giao toàn bộ mặt bằng khu 92A Đức Giang và toàn bộ nhà xưởng cho đơn vị khác, đẩy hơn 100 công nhân, cán bộ nhà máy rơi vào cảnh thất nghiệp.
Từ năm 1984, Xí nghiệp quản lý nhà quận Đống Đa, TP Hà Nội cho Công ty EMJ được quyền thuê đất của nhà nước, cụ thể là thuê diện tích 2006 m2. Trên lô đất này, doanh nghiệp này đã tự đầu tư xây dựng các khu nhà làm việc, văn phòng giao dịch và hàng nghìn m2 làm cửa hàng kinh doanh gồm một khối nhà 05 tầng và một khối nhà 02 tầng. Thế nhưng sau khi cổ phần hóa, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và Phó tổng giám đốc Cao Văn Thân đã lợi dụng quyền hạn, đứng ra ký liên doanh với Công ty hóa dầu quân đội (MIPEC), ngầm chuyển đổi toàn bộ khu đất trên để lập dự án xin cấp giấy phép xây dựng Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp.
Để triển khai thực hiện Dự án này, phía Công ty hóa dầu quân đội (MIPEC) đã thanh toán cho Công ty EMJ số tiền 18 tỷ đồng. Trong khi dự án chưa triển khai thực hiện, còn các cửa hàng của Công ty với nhiều mặt hàng thiết bị vật tư vẫn đang kinh doanh tốt tại đây thì bất ngờ năm 2015, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và Phó tổng giám đốc Cao Văn Thân đã yêu cầu toàn bộ các cửa hàng với nhiều ngành hàng của công ty ra thuê ngoài, dành toàn bộ mặt bằng cho người khác đến thuê, dẫn đến xóa sổ nhiều ngành hàng của Công ty, người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, mất công ăn việc làm.
Hiện tại để duy trì và đảm bảo quyền lợi của mình trên khu đất này, lãnh đạo Công ty hóa dầu quân đội MIPEC đã cho Công ty CP Pico đứng ra quản lý kinh doanh siêu thị. Toàn bộ tài sản đầu tư của Công ty EMJ cũng được thanh lý, chuyển đổi mà không hề hạch toán vào doanh nghiệp, không được thông qua báo cáo tài chính, cũng như ý kiến của HĐCĐ một cách đầy bất thường.
Chây ì việc trả nợ tiền vay đã quá hạn nhiều năm
Năm 2012, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Dũng đã triển khai huy động nguồn vốn lớn bằng hình thức vay ngắn hạn có lãi của cán bộ nhân viên trong công ty để kinh doanh với nhiều hứa hẹn trả lãi vay hàng tháng và trả vốn gốc khi đến hạn. Thực tế hơn 5 năm qua, ông Dũng không những không trả lãi theo hứa hẹn mà tiền gốc của những cổ đông cho công ty cũng chưa biết bao giờ mới được hoàn trả. Việc chây ỳ trả nợ của lãnh đạo Công ty EMJ đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, nhiều cổ đông gặp vô vàn khó khăn, áp lực do tin vào những lời “hứa hẹn” của ông Nguyễn Tiến Dũng đối với số vốn do mình đóng góp vào việc mua cổ phần từ Công ty EMJ.
Ngoài ra, cổ đông còn phản ánh nhiều sai phạm khác của Công ty như: 10 năm liên tiếp Công ty EMJ không tổ chức Đại hội thường niên; nhiệm kỳ của thành viên HĐQT đã hết hạn hơn 4 năm mà chưa tổ chức bầu thành viên HĐQT mới; không tổ chức bầu bổ sung thành viên HĐQT mới khi HĐQT có thành viên không còn khả năng làm việc (do tình hình sức khỏe yếu, không đủ điều kiện, năng lực làm việc); không tổ chức bầu Trưởng ban Kiểm soát mới khi Trưởng ban Kiểm soát cũ đã nghỉ việc; lợi dụng việc huy động vốn để kinh doanh trục lợi, buông lỏng quản lý , để nhân viên cấp dưới tham ô, không trả lại tiền khế ước của cán bộ, nhân viên đã cho Công ty EMJ vay với số tiền hàng tỷ đồng…
Để rộng đường dư luận về các nội dung phản ánh của nhóm cổ đông, theo hồ sơ pháp lý kinh doanh của Công ty EMJ, PV đã trực tiếp có mặt tại trụ sở ghi trong đăng ký kinh doanh tại số 240-242 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP Hà Nội thì toàn bộ mặt bằng là địa điểm của siêu thị điện máy. Nhân viên bảo vệ cho biết, Công ty EMJ đã chuyển đi nơi khác, không còn làm việc ở đây!?. Liên hệ theo số điện thoại đăng ký kinh doanh của Công ty EMJ xong đều không thể liên lạc được.
Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhóm cổ đông Công ty EMJ, làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong đơn kiến nghị do nhóm cổ đông chỉ ra, đề nghị Bộ Công Thương,Thanh tra Bộ Công Thương và cơ quan chức năng của UBND TP Hà Nội sớm vào cuộc điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.