|
Hằng ngày, các xe tải nối đuôi nhau chở cát ra vào bãi tập kết vật liệu xây dựng ngay trong khuôn viên đình làng Đa Phước. |
Qua tìm hiểu của phóng viên, đình làng Đa Phước (tọa lạc tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) là nơi ghi dấu những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc của dân làng Đa Phước trong thăng trầm của lịch sử.
Trong đó, vào thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, đình làng Đa Phước là nơi hội họp, tuyên truyền sinh hoạt Đảng, nơi che giấu cán bộ cách mạng và vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men phục vụ kháng chiến.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của đình làng Đa Phước, nhất là trong việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày 4/02/2016, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 702/QĐ-UBND công nhận đình Đa Phước là Di tích lịch sử cấp Thành phố.
Những tưởng, sau khi đình làng Đa Phước được công nhận là Di tích lịch sử cấp Thành phố thì Di tích này sẽ có thêm điều kiện để được các cấp chính quyền, Ban trị sự đình làng Đa Phước và cộng đồng dân cư cũng như các ngành chức năng có liên quan của địa phương sẽ quan tâm, đầu tư, chăm sóc, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và phát huy giá trị của đình làng này đối với xã hội. Song, ngược lại, trái với sự tôn nghiêm của một di tích lịch sử, đình làng Đa Phước thời gian qua và hiện nay đang bị xâm hại bởi một cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) hoạt động ngay trong khuôn viên của đình làng.
Điều đáng nói là hoạt động kinh doanh VLXD tại đây còn được Ban trị sự đình làng Đa Phước “hợp thức hóa”, cho cơ sở kinh doanh VLXD nói trên được hợp đồng làm nơi tập kết, kinh doanh VLXD (chủ yếu là cát), gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến di tích. Dù biết vậy nhưng đến nay, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý, ngăn chặn.
Cụ thể, mỗi ngày, tại điểm tập kết VLXD trong khuôn viên đình làng Đa Phước luôn có xe xúc cát cho các xe tải chở cát bán ra bên ngoài.
Mọi hoạt động tập kết cát vào và chở cát bán ra đều đi qua cổng sau đình làng, phía đường Âu Cơ. Có thời điểm, cơ sở kinh doanh VLXD này tập kết cả ngàn khối cát, chiếm gần hết khu đất rộng hơn 1000m2 bên trái khuôn viên đình làng.
Qua điều tra của phóng viên cho thấy, cơ sở VLXD nói trên là của Công ty TNHH MTV Quảng Quyền ký hợp đồng thuê mặt bằng với Ban trị sự đình làng Đa Phước, có tổng diện tích lên đến 1.200m2 trong khuôn viên của đình làng trong thời hạn 10 năm kể từ ngày 15/7/2017, với giá 36 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, trong bản hợp đồng này cũng thể hiện Ban trị sự Đình làng Đa Phước thống nhất và cam kết sau 10 năm sẽ tiếp tục làm lại hợp đồng 10 năm tiếp theo.
Có thể nói, với việc tồn tại một điểm kinh doanh VLXD ngay trong khuôn viên đình làng Đa Phước không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn làm mất mỹ quan và ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của một di tích lịch sử cấp thành phố tại Đà Nẵng là điều không thể chấp nhận được.
Trước thực tế này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc. Ông Đại khẳng định, phường không cho phép kinh doanh VLXD trong khuôn viên đình làng Đa Phước và đã làm việc với Ban trị sự đình làng yêu cầu chấm dứt hợp đồng, di dời sớm bãi tập kết VLXD ra khỏi khuôn viên đình làng Đa Phước. Khi Ban trị sự đình làng ký hợp đồng cho Công ty TNHH MTV Quảng Quyền thuê mặt bằng thì không thông qua UBND phường. “Phường không chủ trương, không cho phép…” - ông Đại nói.
Được biết, Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu cũng đã kiểm tra, lập biên bản yêu cầu di dời bãi tập kết VLXD nói trên ra khỏi vị trí khuôn viên của đình làng.
|
Bãi tập kết vật liệu xây dựng tồn tại và hoạt động ngay trong khuôn viên đình làng Đa Phước. |
Những việc làm trên có dấu hiệu vi phạm Điểm b và c, Khoản 7, Điều 20 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền và ngành chức năng địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, có biện pháp bảo vệ di tích, xử lý ngay các vi phạm tại Di tích đình làng Đa Phước, trả lại cho di tích này sự tôn nghiêm và giá trị vốn có của nó. Đồng thời, cũng phải có biện pháp để nâng cao nhận thức cho những người quản lý di tích và người dân./.