Điều khó hiểu là liên quan đến việc này, đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp, song đến nay, chính quyền cơ sở vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vụ việc, gây bức xúc trong dư luận địa phương, nhất là khi người bị xâm phạm lợi ích lại là một thương binh đã có nhiều năm tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mang trên mình nhiều vết thương và hỏng cả 2 mắt...
Ông Phạm Thế Bình và bà Nguyễn Thị Hồng đã ngang nhiên đục tường,
mở cửa thông sang nhà của thương binh Hoàng Văn Bạo (chỗ che bạt) . Ảnh QĐ
Có hay không việc cố tình thay đổi bản chất vụ việc?
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của ông Hoàng Văn Bạo, là thương binh 1/4, trú tại tập thể Khu điều dưỡng thương binh hỏng mắt 47 Hàng Cháo, quận Ba Đình (Hà Nội).
Theo nội dung phản ánh, đầu năm 2008, ông Bạo mua lại căn hộ 7,2 m2 tại số 70 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Qua quá trình ở, không xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai. Tuy nhiên, vào đêm 8/2/2008, lợi dụng khi ông Bạo không có ở nhà, hộ ông Phạm Thế Bình ở liền kề đã ngang nhiên vô cớ đục tường, mở cửa chiếm nhà của gia đình ông Bạo. Ngay sau đó, ông Hoàng Văn Bạo đã trình báo chính quyền phường Trần Hưng Đạo. Vụ việc đã được từng bước giải quyết. Tuy nhiên, theo thương binh Hoàng Văn Bạo, các văn bản do chính quyền ban hành có dấu hiệu bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
Sau khi ông Bình có hành vi xâm phạm chỗ ở của thương binh Hoàng Văn Bạo, chính quyền đã buộc ông Bình khôi phục nguyên trạng ban đầu, song cũng từ đó đến nay, thương binh Hoàng Văn Bạo cũng không được sử dụng diện tích nhà ở của mình.
Theo giải thích của UBND phường Trần Hưng Đạo, là do “đây là diện tích có tranh chấp”. Cụ thể, ngày 4/3/2008, UBND phường Trần Hưng Đạo ra Quyết định số 45/QĐ-UB về việc “Đình chỉ thi công xây dựng”. Trên cơ sở văn bản này, ngày 6/1/2009, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Thông báo số 04/TB-UBND về Kết luận của ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm. Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu: “Trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết, yêu cầu các bên có liên quan giữ nguyên hiện trạng, không bên nào được phép sử dụng”.
Cách giải quyết như trên của phường Trần Hưng Đạo và quận Hoàn Kiếm rõ ràng không đúng bản chất của sự việc, bởi hành vi của gia đình ông Bình tự ý đục tường, mở thông cửa sang nhà ông Bạo là vi phạm pháp luật rất rõ ràng. Ngay trong Quyết định số 45/QĐ-UB, UBND phường Trần Hưng Đạo cũng đã ghi nhận hành vi của ông Bình là phá tường, xâm phạm chỗ ở của thương binh Hoàng Văn Bạo. Như vậy, đây không phải là vụ việc “tranh chấp” như Thông báo số 04/TB-UBND của UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành, mà là vụ việc xâm phạm nơi cư trú của công dân, cần phải xử lý hình sự ông Bình về hành vi này, đồng thời yêu cầu ông Bình phải trả lại diện tích nhà đã xâm phạm và bồi thường thiệt hại cho thương binh Hoàng Văn Bạo.
Được biết, tại buổi hoà giải giữa thương binh Hoàng Văn Bạo với ông Phạm Thế Bình do UBND phường Trần Hưng Đạo tổ chức ngày 17/2/2009, ông Bình đã đề xuất mua lại căn hộ của ông Bạo với giá 350 triệu đồng. Điều này càng chứng minh rõ phần diện tích đất trên thuộc quyền sở hữu của thương binh Hoàng Văn Bạo.
Quá trình xác minh vụ việc, theo ghi nhận của phóng viên (PV), căn hộ 7,2 m2 tại số nhà 70 Lý Thường Kiệt vốn là của bà Trần Thị Lộc, sinh năm 1907, người già độc thân. Năm 2002, bà Lộc mất. Bà Thanh là em ruột của bà Lộc đã đứng tên bán căn hộ này cho ông Phạm Văn Tiến để lấy tiền lo tang lễ cho bà Lộc. Sau đó, ông Phạm Văn Tiến bán lại căn hộ nói trên cho thương binh Hoàng Văn Bạo. Toàn bộ việc mua bán này đều có giấy chuyển nhượng với đầy đủ chữ ký của các bên có liên quan.
Sự việc rõ ràng như vậy, nhưng sau khi ông Bình có hành vi xâm phạm chỗ ở của thương binh Bạo, chính quyền đã buộc ông Bình khôi phục nguyên trạng ban đầu, nhưng lại không cho phép ông Hoàng Văn Bạo được sử dụng chính căn nhà của mình(?).
Cần làm rõ trách nhiệm của Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Hoàn Kiếm
Đi sâu tìm hiểu được biết, số nhà 70 Lý Thường Kiệt vốn là nhà công tư xen kẽ, có 03 hộ dân (bao gồm ông Đào Duy Thanh, bà Trần Thị Lộc, bà Lại Thị Châm) và một diện tích được quản lý, sử dụng bởi Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Hoàn Kiếm, thuộc Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (nay là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội).
Trong quá trình sử dụng, một số hộ đã tiến hành mua bán, chuyển nhượng. Cụ thể: bà Trần Thị Thanh (em gái bà Lộc chuyển nhượng cho ông Phạm Văn Tiến; sau đó, ông Tiến bán lại cho ông Phạm Văn Bạo). Bà Nguyễn Thị Nguyệt (vợ ông Đào Duy Thanh) chuyển nhượng cho ông Phạm Thế Bình; trong biên bản bàn giao nhà giữa bà Nguyệt và ông Bình (ngày 19/9/2007) không hề có diện tích 7,2 m2 của ông Bạo.
Tuy nhiên không hiểu sao, theo Thông báo số 04/TB-UBND ngày 6/1/2009 của UBND quận Hoàn Kiếm thì diện tích nhà, đất được cấp Giấy chứng nhận đất ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của ông Phạm Thế Bình lại bao gồm diện tích nhà chính tầng 1 là 14,8 m2 và diện tích phụ là 18 m2, trong đó có cả 7,2 m2 của ông Hoàng Văn Bạo?
Dư luận đặt câu hỏi: Có khuất tất gì ở khâu cấp giấy này?
Được biết, tại Thông báo số 04/TB-UBND ngày 6/1/2009, để bảo đảm quyền lợi của thương binh Hoàng Văn Bạo, UBND quận Hoàn Kiếm đã kiến nghị Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Hoàn Kiếm có phương án thoái trả tiền đối với gia đình ông Phạm Thế Bình để có cơ sở điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đất ở và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã cấp sai cho hộ ông Phạm Thế Bình. Cũng thời điểm năm 2009, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã khẳng định: “Việc đưa diện tích sử dụng của hộ bà Lộc (sau này được ông Bạo mua lại) vào bán phân bổ không hoạch định là sai. Vì vậy, đề nghị thoái trả tiền và điều chỉnh lại giấy chứng nhận đã cấp cho gia đình ông Thanh (người bán đất cho nhà ông Phạm Thế Bình), bỏ phần phân bổ không hoạch định vào diện tích nhà bà Lộc”.
Như vậy, có thể thấy rõ, một phần trách nhiệm gây nên việc tranh chấp ở đây thuộc về Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Hoàn Kiếm. Từ đó dẫn đến việc ông Bình có hành vi phá tường, xâm phạm chỗ ở của gia đình ông Bạo. Nhưng mới đây, tại văn bản số 902/SXD-QLN ngày 06/02/2017 của Sở Xây dựng Hà Nội, trách nhiệm xử lý vụ việc lại được “đẩy” sang cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội “hướng dẫn ông Hoàng Văn Bạo khởi kiện tại Toà án nhân dân”.
Rõ ràng, quyền lợi chính đáng của công dân đang tiếp tục bị xâm phạm do sự cẩu thả, tắc trách của Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà Hoàn Kiếm dẫn đến vụ việc kéo dài và phức tạp như hiện nay, mà người chịu thiệt thòi là thương binh Hoàng Văn Bạo.
Làm việc với PV, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Công tác chính sách đối với người có công luôn được lãnh đạo quận Hoàn Kiếm quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Riêng đối với trường hợp thương binh Hoàng Văn Bạo, quận đã và đang tiếp tục chỉ đạo phường sớm giải quyết dứt điểm nội dung vụ việc, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân”.
Bao giờ trả lại quyền lợi chính đáng của thương binh Hoàng Văn Bạo?
Trong một diễn biến mới liên quan đến nội dung phản ánh của thương binh Hoàng Văn Bạo, cuối tháng 4/2017, bà Nguyễn Thị Hồng là vợ của ông Phạm Thế Bình lại tiếp tục có hành vi đục tường, mở cửa xâm phạm chỗ ở của gia đình ông Bạo. Sau đó, ngày 25/5/2017, UBND phường Trần Hưng Đạo đã lập biên bản Vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm, nhưng đến nay, việc cải tạo trái phép của bà Hồng đã hoàn thành.
Ông Phạm Sơn Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo
trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại buổi làm việc với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Sơn Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo cho biết: “Chúng tôi đã lập biên bản và ban hành quyết đinh cưỡng chế. Phường sẽ cưỡng chế trong thời gian sớm nhất”. Tuy nhiên, đến sáng ngày 10/7, theo ghi nhận của PV, toàn bộ khu vực vi phạm của bà Nguyễn Thị Hồng vẫn ngang nhiên tồn tại như một sự thách thức dư luận và pháp luật.
Trao đổi với PV, ông Đào Mạnh Thủy, nguyên là cán bộ công tác trong ngành Lao động, Thương binh & Xã hội, từng là đồng đội của Thương binh Hoàng Văn Bạo, đồng thời là người được ông Bạo ủy quyền tham gia xử lý vụ việc cho biết: “Đã có hàng chục văn bản chỉ đạo, nhiều đơn kêu cứu nhưng không hiểu vì sao quyền lợi chính đáng của một thương binh vẫn không thể được bảo vệ, trong khi những hành vi vi phạm của ông Bình, bà Hồng đã quá rõ ràng?”.
Theo tìm hiểu của PV, trong thời gian gần 10 năm qua, thương binh Hoàng Văn Bạo đã gửi đi hơn 200 lá đơn tới các cơ quan Trung ương và Thành phố Hà Nội; đã nhận 51 văn bản, trong đó có 31 văn bản chỉ đạo yêu cầu quận Hoàn Kiếm giải quyết và trả lời, trong đó riêng Thành ủy Hà Nội có 06 văn bản; HĐND Thành phố có 04 văn bản; UBND Thành phố có 08 văn bản…, nhưng điều khó hiểu là vụ việc vẫn chưa thể được xử lý dứt điểm.
Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng:
“Hành vi của cá nhân phá tường ngăn, xâm phạm phần diện tích nhà của người khác, hoặc chuyển dịch tài sản của mình vào bên trong phần diện tích nhà người khác, là có dấu hiệu của “Tội xâm phạm chỗ ở công dân” được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 1999, 2009 và được chuyển tiếp thành “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” quy định tại Điều 158 Bộ luật Hình sự 2017. Cụ thể vụ việc ở đây là:
Ông Bình, bà Hồng đã phá nhà, chiếm chỗ ở của ông Bạo trong khi ông Bạo đi vắng. Đây là hành vi xâm hại, tác động trực tiếp tới quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác, đã thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm chứ không cần xem xét hậu quả từ hành vi xâm phạm đó trên thực tế.
Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Việc xâm phạm này vừa trái Hiến pháp, vừa vi phạm pháp luật hình sự, có thể khởi tố trước pháp luật”.
Ai bảo vệ quyền lợi chính đáng của thương binh Hoàng Văn Bạo?. Video Quang Chiến-Hữu Hậu
Vốn bị hỏng cả 2 mắt nên việc đi lại của thương binh Hoàng Văn Bạo gặp rất nhiều khó khăn. Khi trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Bạo cho biết: “Gần 10 năm qua, tôi đã nhờ người dẫn đi kêu cứu khắp nơi. Nhà tôi bỏ tiền mua, có giấy tờ chuyển nhượng đầy đủ vậy mà người khác vẫn ngang nhiên chiếm giữ, sử dụng. Tôi chỉ có một đề nghị là mong các cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tôi”.
Thiết nghĩ, đã đến lúc UBND Thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần có sự vào cuộc kiên quyết, mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm vụ việc nêu trên. Trong đó, cần xem xét, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có vi phạm, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thương binh Hoàng Văn Bạo./.