|
Trích lục bản đổ liên quan đến ô quy hoạch A12 (ảnh: DN cung cấp) |
Lần lại nguồn gốc khu đất cuối ngõ 64 Kim Giang, nhiều điểm bất thường cần làm rõ
Như đã phản ánh trong bài viết “Cần xử lý việc mua bán đất nông nghiệp trái pháp luật quận Hoàng Mai”, chỉ ra những điểm chưa đúng trong việc mua bán đất nông nghiệp ở cuối ngõ 64 đường Kim Giang (nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) của công ty Cổ phần Y tế và Giáo dục Việt Nam (công ty VINAMED).
Tại kết luận thanh tra số 506/KL-STNMT-TTr ngày 12/4/2018 của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, khu đất cuối ngõ 64 Kim Giang trước đây có nguồn gốc là đất nông nghiệp xâm canh của UBND xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai quản lý. Theo hồ sơ địa giới hành chính lập theo Chỉ thị 364/CP của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt ngày 15/01/1997, khu đất nông nghiệp nêu trên đã thuộc địa giới hành chính phường Kim Giang, quận Thanh Xuân quản lý.
Thế nhưng, hồ sơ địa chính liên quan đến khu đất nông nghiệp cuối ngõ 64 Kim Giang hiện không còn lưu giữ, hiện trạng trên khu đất không sử dụng vào mục đích nông nghiệp, là địa điểm tập kết phế thải xây dựng, ranh giới các thửa đất trong khu đất không rõ ràng.
Cũng theo kết quả làm việc của sở TNMT Hà Nội và hồ sơ tài liệu do các tổ chức và cá nhân kê khai, cung cấp cho thấy khu đất cuối ngõ 64 đường Kim Giang, phường Kim Giang có nguồn gốc là đất nông nghiệp cá thể, đất nông nghiệp được giao và đất tự khai hoang đã mua bán, chuyển nhượng. Trong số đó có 2 trường hợp là Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội và công ty cổ phần Y tế và giáo dục Việt Nam.
|
Giấy nhượng quyền sử dụng đất gây nhiều tranh cãi về tính hợp pháp (ảnh: DN cung cấp) |
Cụ thể, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội kê khai diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng năm 2010 là 3.196m2, trong đó, diện tích đất thuộc địa giới hành chính phường Kim Giang, quận Thanh Xuân là 2.551 m2; diện tích đất thuộc địa giới hành chính phường Đại Kim, quận Hoàng Mai là 645m2.
Công ty cổ phần Y tế và giáo dục Việt Nam (công ty VINAMED) kê khai diện tích đất nông nghiệp 4.384m2 đất, trong đó, diện tích 3,839 m2 đất do đơn vị tự khai là mua lại của 03 hộ gia đình từ năm 1993. Đáng nói, hiện trạng khu đất Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội và Công ty cổ phần y tế và giáo dục Việt Nam nhận chuyển nhượng chỉ xác định được vị trí khu đất, không xác định được ranh giới thửa đất, trên đất không có công trình xây dựng, không sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Theo phản ánh tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam của anh Đinh Quốc Cường, mảnh đất có diện tích 801 m2 trong tổng số 3839 m2 mà công ty VINAMED được cho là đang sở hữu lại là đất của gia đình anh Cường quản lý sử dụng từ lâu đời.
Anh Cường cho biết, sau khi biết tin mảnh đất nhà anh đã vào quy hoạch của UBND thành phố Hà Nội, gia đình anh đã có đơn gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đề nghị làm rõ và có phương án đền bù khi thu hồi đất. Tuy nhiên, trong văn bản số 480/UBND ngày 23/11/2018 của UBND phường Đại Kim, quận Hoàng Mai lại thông tin, mảnh đất 801 m2 tại cuối ngõ 64 Kim Giang của gia đình anh đã được bà Phạm Thị Vẽ bán lại cho xí nghiệp thiết bị Y tế (nay là công ty VINAMED) từ năm 1993. Trước văn bản trên, gia đình anh Cường cho rằng từ trước năm 1993 đến nay, mảnh đất 801 m2 đều được mẹ anh Cường là bà Phạm Thị Sơn quản lý sử dụng. Việc bà Vẽ bán mảnh đất trên cho công ty VINAMED mà gia đình anh Cường không hề hay biết là rất khó hiểu, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
|
Phiếu thu thuế đất được cung cấp bởi DN VINAMED, dẫn đến việc một thửa đất có 2 đối tượng cùng đóng thuế cho Nhà nước |
Đáng nói, theo tìm hiểu của PV, UBND phường Đại Kim (hiện tại) không có một thông tin nào liên quan đến việc mua bán 801 m2 đất giữa bà Phạm Thị Vẽ và công ty VINAMED. Hay nói cách khác, việc mua bán trên, theo hồ sơ quản lý đất đai của UBND phường Đại Kim là không có.
Cũng tại kết luận thanh tra số 506/KL-STNMT-TTr ngày 12/4/2018 của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã chỉ ra rằng, khu đất nông nghiệp cuối ngõ 64 phường Kim Giang hầu hết là đất nông nghiệp cá thể xâm canh dẫn đến có sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng của chính quyền địa phương.
UBND xã Đại Kim trước đây đã không thiết lập hồ sơ chủ sử dụng đất đến từng thửa đất để quản lý. Mặt khác, việc xác nhận nội dung chuyển nhượng đất nông nghiệp của các tổ chức và cá nhân của UBND xã Đại Kim không phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 1987 về điều kiện nhận chuyển nhượng, các tài liệu hồ sơ liên quan đến nội dung xác nhận chuyển nhượng hiện UBND xã Đại Kim không lưu giữ, để thất lạc tờ bản đồ số 01 đo đạc năm 1996 đối với khu đất nông nghiệp xâm canh (trong khi các tổ chức, cá nhân cung cấp tờ bản đồ phô tô). Việc để xảy ra các sai phạm nêu trên, trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã Đại Kim, huyện Thanh Trì trước đây, và nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Có thể thấy, việc bà Phạm Thị Vẽ và nhiều hộ gia đình khác đã tự ý chuyển nhượng một phần diện tích khu đất ở cuối ngõ 64 Kim Giang cho công ty VINAMED vào năm 1993 là không phù hợp với quy định của Luật đất đai năm 1987. Sự việc đã dẫn tới những hậu quả sau này là việc khiếu nại, khiếu kiện của công dân, đất nông nghiệp hộ cá thể nhưng lại không được đền bù thỏa đáng khi chuẩn bị triển khai dự án.
Đâu là hậu quả của việc mua bán trái phép đất nông nghiệp, buông lỏng quản lý đất đai?
Theo các tài liệu mà PV thu thập, sau khi có được 3,839 m2 đất do mua lại của 03 hộ gia đình từ năm 1993, công ty VINAMED đã tiến hành đóng thuế sử dụng đất hàng năm cho các thửa đất trong đó có mảnh đất có diện tích 801 m2 nêu trên. Cùng thời điểm đó, năm 1993, gia đình anh Cường cũng đang đóng thuế sử dụng đất cho mảnh đất 801 m2 của mình. Như vậy có thể thấy rằng, việc buông lỏng quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đại Kim và UBND huyện Thanh Trì đã dẫn tới hậu quả một mảnh đất hai chủ và trên 1 thửa đất có cùng lúc hai đối tượng đóng thuế cho nhà nước. Việc buông lỏng quản lý và việc xác nhận nội dung chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa các tổ chức và cá nhân là không phù hợp với luật đất đai thời kì 1993 của chính quyền địa phương. Điều này cũng đã được thanh tra sở TNMT Hà Nội chỉ rõ trong bản Kết luận thanh tra số 506.
Hơn nữa, theo kết quả làm việc giữa sở TNMT Hà Nội với UBND quận Thanh Xuân, từ năm 2005, UBND quận Thanh Xuân đã có các văn bản gửi UBND các phường thuộc quận Thanh Xuân kiểm tra, rà soát quỹ đất công, đất xen kẹt, đất chưa sử dụng trên địa bàn các phường để quyết định lên kế hoạch tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng quỹ đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Ngày 04/02/2008, UBND quận Thanh Xuân có Quyết định số 365/QĐ-UBND về việc giao UBND phường Kim Giang quản lý quỹ đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn phường Kim Giang, trong đó có khu đất nông nghiệp cuối ngõ 64 phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, tuy nhiên việc thiết lập hồ sơ địa chính đến từng thửa đất, từng chủ sử dụng đất để quản lý chưa được thực hiện.
Năm 2014, UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Kim Giang tổ chức thiết lập hồ sơ địa chính để quản lý và tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất. Tuy nhiên, việc thiết lập hồ sơ địa chính để quản lý cũng như việc tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất chưa đúng trình tự, thủ tục, nên quá trình thực hiện đã có đơn thư tố cáo của công dân.
Được biết, khu đất có diện tích 3839 m2 đã nhắc tới ở trên thuộc ô quy hoạch ký hiệu A12 theo quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai tỷ lệ 1/2000 đã được UBND Thành phố phê duyệt tạiQuyết định số 225/2005/QĐ-UB ngày 16/12/2005 có chức năng là bãi đỗ xe. Và chỉ được triển khai thực hiện 01 dự án trên tổng thể ô quy hoạch ký hiệu A12 (không chia nhỏ thành các dự án thành phần) đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, công trình và không gian cảnh quan.
|
Phiếu chuyển công văn từ UBND Thành phố Hà Nội về việc trả lời thông tin báo chí cho
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
|
Ngày 03/8/2017, UBND Thành phố có Văn bản số 3775/UBND-ĐT về việc triển khai đầu tư tại ô quy hoạch ký hiệu A12 phường Kim Giang, quận Thanh Xuân và phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, trong đó có nội dung: Cho phép các Công ty: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà Hào Nam, Công ty cổ phần y tế và giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội hợp tác kinh doanh (theo hình thức liên danh không thành lập pháp nhân mới, trong đó Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà Hào Nam là đại diện liên danh) để thực hiện dự án tại ô quy hoạch ký hiệu A12 phường Kim Giang, quận Thanh Xuân và phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Mặc dù dự án còn đang dừng lại ở việc chấp thuận chủ chương đầu tư, mảnh đất 801 m2 trong tổng số 3839 m2 tại cuối ngõ 64 Kim Giang đang thuộc diện tranh chấp giữa anh Đinh Quốc Cường và công ty VINAMED thì ngày 23/8/2019, công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển nhà Hào Nam (công ty Hào Nam) là đại diện liên danh đã cho máy ủi vào phá hoa màu, cây trồng tại mảnh đất 801 m2 của gia đình anh Cường đang sử dụng.
Đến ngày 12/7/2021, công ty Hào Nam lại tiến hành san lấp mặt bằng và cho trồng cây trên mảnh đất nói trên. Sự việc đã được UBND phường Kim Giang lập biện bản và đề nghị công ty Hào Nam dừng tất cả các hoạt động trên khu đất A12 cho tới khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, đề nghị Công an phường, tổ Quản lý trật tự xây dựng phường thường xuyên kiểm tra khu đất A12, đảm bảo không phát sinh thêm vụ việc.
Trước những thông tin trên, ngày 18/8/2021, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội; ngày 10/9/2021 UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chuyển Sở Tài nguyên Môi trường để kiểm tra làm rõ trả lời Báo theo quy định, nhưng hiện nay Báo vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Sở Tài nguyên Môi trường. Chúng tôi rất mong sớm nhận được kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên Môi trường, các cơ quan liên quan để làm rõ hơn sự việc giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dân, chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc./.