Cán bộ UBND xã Kiêu Kỵ bị tố cáo sai phạm trong hoạt động tư pháp
Liên quan đến vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất và chia tài sản thừa kế do Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý giữa bà Đinh Thị Vượng và bà Trần Thị Ngân, liên tục nhiều năm qua, bà Đinh Thị Vượng và chồng là ông Nguyễn Bá Uyên đã có đơn tố cáo ông Đinh Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, ông Nguyễn Văn Thanh và ông Phùng Đắc Quản, Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) có hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác nhận bà Trần Thị Ngân chung sống với bố của bà Vượng là ông Đinh Bá Hà từ năm 1978 dẫn đến 02 cấp Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành bản án dân sự đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Vượng.
Thực tế, việc ông Phùng Đắc Quản, Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (số 86) cho bà Trần Thị Ngân cũng có một số điểm khó hiểu. Được biết, để phục vụ cho quá trình xét xử vụ án, ngày 08/7/2019, UBND xã Kiêu Kỵ đã cấp cho bà Trần Thị Ngân (ở thôn Kiêu Kỵ xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (số 86). Tuy nhiên, nội dung Biên bản cung cấp tài liệu, chứng cứ (ngày 20/3/2019) thể hiện, ông Vũ Văn Lập, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Kiêu Kỵ xác nhận, “về việc đăng ký kết hôn của cụ Đinh bá Hà: Qua tra cứu thông tin sổ đăng ký kết hôn lưu giữ được tại UBND xã Kiêu Kỵ từ năm 1991 đến nay không có thông tin đăng ký kết hôn của cụ Đinh Bá Hà”.
|
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (số 86) do UBND xã Kiêu Kỵ cấp cho bà Trần Thị Ngân. |
Theo phản ánh, ông Phùng Đắc Quản, Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ đã cấp cho bà Trần Thị Ngân Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (số 86) một cách thiếu căn cứ, trong đó xác nhận bà Ngân đã đăng ký kết hôn nhưng chồng đã chết theo Giấy chứng tử số 11 do UBND xã Kiêu Kỵ cấp ngày 24/4/2007 (cấp đối với ông Đinh Bá Hà); giấy xác nhận này đã được cấp không đúng đối tượng vì các văn bản hiện lưu giữ tại UBND xã Kiêu Kỵ hoàn toàn không có thông tin đăng ký kết hôn của cụ Đinh Bá Hà với bà Trần Thị Ngân.
Cũng liên quan đến vụ việc, hiện nay bà Đinh Thị Thu Hân (người được cho là con của ông Đinh Bá Hà và bà Trần Thị Ngân) đang có đến 02 giấy khai sinh với 2 nơi sinh khác nhau và 2 ông bố cùng tên (Đinh Bá Hà) nhưng có năm sinh cách nhau đến 10 năm (1928 và 1938)? Hai giấy khai sinh này đều do UBND xã Kiêu Kỵ cấp vào 2 thời điểm khác nhau. Trong đó, giấy khai sinh cấp ngày 31/12/2005 (cấp lại) có sự xác nhận của cán bộ hộ tịch là ông Đinh Văn Giảng, hiện đang là Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ.
|
Sở Tư Pháp Hà Nội chuyển đơn tố cáo của công dân đến Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. |
Cùng với đó, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, công dân cũng đã có đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cố tình bao che cho cấp dưới, không giải quyết tố cáo, ký quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 13/2/2023 của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm về việc giải quyết khiếu nại của công dân trái pháp luật. Được biết, đơn tố cáo này đã được Thanh tra Bộ Tư pháp tiếp nhận, chuyển đơn đến Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Sau đó, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Thanh tra Thành phố kiểm tra nội dung đơn và tài liệu kèm theo, điều kiện thụ lý đơn tố cáo, đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND Thành phố xem xét theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018.
Người dân cũng đã gửi đơn đến Sở Tư pháp Hà Nội tố cáo những dấu hiệu sai phạm trong hoạt động tư pháp của cán bộ UBND xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Nguyện vọng của bà Đinh Thị Vượng là mong muốn Sở Tư pháp vào cuộc xem xét quá trình thực hiện các hoạt động tư pháp liên quan đến việc cấp giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… do UBND xã Kiêu Kỵ thực hiện có bảo đảm các quy định hiện hành của pháp luật hay không?
Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm có áp dụng sai luật?
Cũng theo phản ánh của người dân, quá trình xét xử ở cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã “bỏ qua” nhiều tài liệu, tình tiết quan trọng và có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật. Cụ thể, theo phản ánh, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, trực tiếp là Thẩm phán VTH đã có dấu hiệu thiếu khách quan, bỏ qua nhiều tình tiết, tài liệu quan trọng.
Điển hình là việc xác định Vũ Thị Lan là con nuôi của ông Hà, bà Ngân. Tại biên bản ghi lời khai ngày 14/7/2021, bà Đinh Thị Thu Hân và bà Đinh Thị Thuấn trình bày: “Đối với bà Vũ Thị Lan, do chúng tôi cùng sinh sống với ông Hà, bà Ngân từ nhỏ nều đều biết việc ông Hà đón bà Lan về nuôi sau khi mẹ bà Lan là bà Vũ Thị Sen chết”.
Đặc biệt, nhận định của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm được ghi tại Bản án số 112/2022/DSST cho rằng: “Đối với chị Lan, giấy khai sinh không có tên cha, về sống với cụ Hà năm 1999 khi bà Sen chết, nhưng không tiến hành thủ tục nhận con nuôi theo quy định, khi nhập khẩu chị Lan về hộ khẩu gia đình cụ Hà khai nhận là cháu nên không có căn cứ xác định chị Lan là con cụ Hà nên chị Lan không thuộc hàng thừa kế”.
|
Giấy khai sinh của bà Vũ Thị Lan để trống phần ghi “người cha”. |
Nhưng khi xét xử, tại Bản án số 112/2022/DSST, Thẩm phán VTH lại căn cứ vào điểm 1.A mục III Thông tư 81/TANDTC ngày 24/7/1981 (đã bị TANDTC hủy bỏ tại Thông báo số 38/KHXX ngày 5/7/1996) để công nhận chị Vũ Thị Lan (sinh ngày 03/1/1992) là con nuôi của cụ Hà và đưa chị Lan vào diện thừa kế và là hàng thừa kế thứ nhất của cụ Hà. Trong khi đó, các tài liệu đều ghi nhận, năm 1999 chị Lan mới được bà Ngân đưa về nhà cụ Hà nuôi dưỡng.
Mặt khác, nội dung Biên bản lấy lời khai người làm chứng (ngày 28/8/2020) có sự tham gia trực tiếp của Thẩm phán VTH cũng thể hiện, rất nhiều người làm chứng lấy lời khai đều khẳng định việc bà Ngân chưa từng sinh nở; bà Ngân và ông Hà không có con chung; các bà Hân, Thuấn, Lan là do bà Ngân mang về nuôi… Song, những tình tiết này có lẽ đã bị “bỏ qua” trong quá trình xét xử.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc cấp các loại giấy tờ như Giấy khai sinh, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân… cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Bởi các giấy tờ này là căn cứ pháp lý trong xem xét, xác định nhiều mối quan hệ dân sự của chủ thể. Nếu việc cấp các loại giấy tờ nói trên có sai phạm thì sẽ dẫn đến nguy cơ làm sai lệch các mối quan hệ dân sự của chủ thể, đe dọa quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan. Khi đó, cá nhân cấp các giấy tờ này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm.
Như đã nói, liên quan đến vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất và chia tài sản thừa kế giữa bà Đinh Thị Vượng và bà Trần Thị Ngân, đến nay dù đã qua 02 cấp xét xử nhưng công dân vẫn tiếp tục gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng với mong muốn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân.
Để tránh tình trạng khiếu kiện, tố cáo kéo dài và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, thiết nghĩ Tòa án Nhân dân Tối cao, các cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, xem xét, giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật./.