Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Nhiều hộ dân sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, chính quyền có buông lỏng?

Thứ tư, 28/06/2017 21:56
(ĐCSVN) - Hơn chục năm qua, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có hàng chục ha đất nông nghiệp ngang nhiên bị lấn chiếm chuyển nhượng sai mục đích. Hơn thế, một số hộ dân ở đây còn ồ ạt xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp và đưa vào sử dụng gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường trong sự bức xúc của dư luận địa phương.

 


 Hàng chục ha đất nông nghiệp ở huyện Yên Lạc đang bị sử dụng sai mục đích trong sự “bất lực” của chính quyền các cấp?.
 Video Hữu Hậu - Quang Chiến

Nhiều nhà xưởng, bãi tập kết máy móc trên đất ruộng

Thời gian qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được đơn thư phản ánh của người dân về tình trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp ở huyện Yên Lạc bị sử dụng sai mục đích trong thời gian dài.

Có mặt tại một số xã thuộc huyện Yên Lạc, chúng tôi nhận thấy nội dung phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Dọc theo hai bên đường Tỉnh lộ 303 đoạn qua địa bàn xã Đồng Văn, xã Tề Lỗ (huyện Yên Lạc) là hình ảnh hàng trăm nhà xưởng, bãi xe, bãi tập kết máy móc, nguyên, vật liệu san sát nhau. Điều đáng nói là phần lớn các công trình này đều được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Các công trình vi phạm ngang nhiên chạy dài theo Tỉnh lộ 303. Trong đó, nhiều công trình đã xuất hiện từ những năm 2000. Điều đáng nói ở đây là, chính quyền địa phương không kiên quyết ngăn chặn hoặc giải quyết không triệt để ngay từ đầu và có biểu hiện nể nang, xử lý chiếu lệ, hình thức, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, bất chấp quy định của địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), vào khoảng năm 2000, trên địa bàn xã Đồng Văn và xã Tề Lỗ bắt đầu phát triển hoạt động kinh doanh sắt thép, mua bán trao đổi ô tô, máy móc... Do áp lực về mặt bằng sản xuất kinh doanh nên nhiều hộ dân ở các địa phương này đã tự ý lấn chiếm, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích dọc theo đường Tỉnh lộ 303 để tập kết máy móc, hàng hoá và dựng nhà xưởng, lều, lán trại... Phần lớn diện tích này là những thửa đất nằm sát mặt đường Tỉnh lộ 303. Tình trạng trên không chỉ vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai mà còn gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các diện tích đất nông nghiệp nằm ở phía trong, do đường đi lại bị hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng trên còn gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường do dầu mỡ từ các bãi tập kết, nhà xưởng ngấm xuống đất làm giảm năng suất cây trồng.

Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân ở xã Đồng Văn bức xúc cho biết: “Những mảnh ruộng ngay giáp mặt đường thì họ tự ý lấp đất dựng nhà xưởng rồi chuyển nhượng hoặc cho thuê. Phần ruộng nhà tôi ở phía trong thì gần như phải bỏ hoang vì có sản xuất thì hiệu quả cũng rất thấp”.

Trao đổi với PV, ông Kim Đình Nên, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã đang có 192 hộ sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích vào việc dựng nhà xưởng, bãi tập kết máy móc... Tổng diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng trái mục đích là khoảng hơn 10 ha”. Đối với xã Tề Lỗ, trong báo cáo gửi UBND huyện Yên Lạc ngày 01/6/2017, Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cũng thừa nhận đến thời điểm hiện tại, qua rà soát toàn xã đang có 68 hộ vi phạm sử dụng đất sai mục đích dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 303 với diện tích khoảng 7,5 ha. Như vậy, chỉ tính riêng tại 2 xã Đồng Văn và Tề Lỗ đã có gần 18 ha đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích.

Trước thực trạng trên, không ít người dân đang đặt câu hỏi: Liệu các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở huyện Yên Lạc đã thực sự làm hết trách nhiệm chưa, khi để tình trạng đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích diễn ra liên tục trong thời gian dài?.

San sát các bãi xe, bãi tập kết được dựng trên đất nông nghiệp dọc theo Tỉnh lộ 303,
 đoạn qua xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc).

Có hay không biểu hiện của “lợi ích nhóm”?

Để có thông tin nhiều chiều, khách quan liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở huyện Yên Lạc, PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ động đặt lịch làm việc với UBND huyện Yên Lạc. Tuy nhiên với lý do “lãnh đạo bận họp” nên huyện Yên Lạc đã cử ông Nguyễn Chí Thiết, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường làm việc với PV.

Tại buổi làm việc, ông Thiết đã thừa nhận tình trạng sử dụng đất nông nghiệp trái phép diễn ra tràn lan tại xã Đồng Văn và xã Tề Lỗ. Theo ông Nguyễn Chí Thiết, do nhu cầu phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn nên rất “khó khăn” trong việc ngăn chặn cũng như xử lý hành vi sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích của người dân. Cũng theo ông Thiết, năm 2004, UBND huyện Yên Lạc đã quy hoạch Cụm Công nghiệp làng nghề tại xã Tề Lỗ và xã Đồng Văn; đến năm 2010, Cụm Công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động nhưng do số lượng hộ sản xuất, kinh doanh sắt thép, mua bán trao đổi ô tô, máy móc... tăng nhanh nên tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn vẫn tiếp tục phát sinh.

Báo cáo thực trạng về đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ
tại các vị trí dọc đường TL 303 thuộc địa bàn xã Tề Lỗ.

Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, nhiều diện tích trong số này phần lớn các hộ mua lại (trái phép) đất lấn chiếm để làm bãi tập kết phế liệu, kho chứa hàng và xây nhà ở kiên cố, hoặc các hộ dân tự ý phân lô để cho thuê, chuyển nhượng theo hình thức “viết giấy trao tay” với mức giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Trong vai một người đang có nhu cầu tìm thuê mặt bằng tập kết máy móc, PV được giới thiệu làm quen với người tên là Hưng, được cho là “có nghề” trong việc chuyển nhượng mặt bằng. Người này trao đổi qua điện thoại và cho biết: “Giá thuê một sào là 220 triệu đồng/năm, thời gian thuê liên tục 5 năm, chuyển tiền luôn một lần khi ký hợp đồng. Còn muốn mua thì sẽ trao đổi kỹ hơn nhưng cũng khoảng trên 1 tỷ/sào”. 

Khi PV hỏi về nguồn gốc đất thì người này cho biết: “Đất là đất nông nghiệp, nhưng yên tâm là sắp tới chắc chắn sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng”. Khó hiểu là lời nói của người này khá giống với nội dung trao đổi của ông Nguyễn Chí Thiết, Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Lạc. Cụ thể, Ông Chí Thiết cho biết: “Hiện nay huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, kiểm tra, thống kê hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Huyện Yên Lạc sẽ đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch diện tích dọc đường Tỉnh lộ 303 thuộc địa phận xã Đồng Văn, Tề Lỗ chuyển thành đất thương mại dịch vụ”.

Tìm hiểu thực tế được biết, hoạt động kinh doanh đã mang lại những hiệu quả kinh tế khá lớn cho người dân các xã Đồng Văn, Tề Lỗ; tạo việc làm cho lao động tại chỗ và các xã lân cận. Nhu cầu về mặt bằng tập kết máy móc, trang thiết bị là có thực. Song, đó không thể là lý do để giải thích cho tình trạng vi phạm Luật Đất đai, tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn huyện Yên Lạc. Nguy hiểm hơn, tại nhiều bãi tập kết, hàng chục tấn nguyên liệu sắt thép được chất thành các đống lớn ngay phía dưới đường dây điện cao thế nên tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đàm Đình Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi cũng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm với các hình thức như: Lập biên bản đình chỉ; ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xây dựng phương án tháo dỡ, giải tỏa... nhưng nói thực là nhu cầu sản xuất của người dân rất lớn. Họ thường vi phạm lén lút vào giờ nghỉ, ngày nghỉ nên để xử lý triệt để là rất khó khăn”.

Còn phần lớn các hộ mua lại (trái phép) đất lấn chiếm để làm bãi tập kết phế liệu, kho chứa hàng hoặc xây nhà ở kiên cố với quy mô tương đối lớn thì vẫn… yên vị làm ăn nhiều năm nay. Thậm chí thời điểm hiện tại vẫn có những hộ đang xây dựng nhà ở, bãi chứa hàng trên đất lấn chiếm mà không có sự nhắc nhở hay ngăn chặn của chính quyền địa phương.

Vấn đề dư luận đang đặt ra là tại sao chính quyền sở tại không có biện pháp xử lý, khi tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích đã kéo dài hàng chục năm qua ở huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc?. Thử làm phép tính đơn giản, nếu chỉ tính riêng 2 xã Đồng Văn và Tề Lỗ với gần 18 ha đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích thì sẽ gây thất thoát bao nhiêu tiền của Nhà nước tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc?. Và phía sau những sai phạm nghiêm trọng này, có hay không của “lợi ích nhóm”? Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng địa phương “bất lực” hay buông lỏng quản lý trước tình trạng này?

Để thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đất đai và bảo đảm cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai thực sự có hiệu quả, thiết nghĩ đã đến lúc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần vào cuộc, xác minh, làm rõ tình trạng sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn huyện Yên Lạc; đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có liên quan.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này đến bạn đọc trong những nội dung tiếp theo./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực