Phân biệt giới tính trong tuyển dụng lao động xử lý ra sao?

Thứ năm, 06/01/2022 16:26
(ĐCSVN) - Phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong tuyển dụng lao động được xem là hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động theo Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Đối tượng vi phạm ngoài việc bị xử phạt tiền còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
(Ảnh minh họa: TQ).

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, kịp thời đưa ra nhiều chính sách phù hợp nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giới, trong đó có những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động. Một trong số những nội dung này được quy định mới nhất tại Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo đó, khoản 1, điều 8, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.

Trong khi đó, các hình thức phạt tiền, biện pháp khắc phục hiệu quả … được quy định tại các khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP.  Cụ thể như sau:

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;

b) Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;

c) Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;

d) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

4. Các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp của người bị xâm phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Buộc sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức, cá nhân có sự phân biệt đối xử về giới đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

Một nội dung đáng lưu ý được quy định tại Nghị định số 125/2021/NĐ-CP là việc, mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (theo khoản 2, Điều 5).

Nghị định số 125/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực