Ngày 2/12, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt để tạm giam đối với Vũ Đức Tuấn (SN 1985), Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Vũ Thư, Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư; Phạm Thị Thu Hiền (SN 1977), Phó Viện trưởng VKSND huyện Vũ Thư và Nguyễn Hoàng Hà (SN 1976), Kiểm sát viên VKSND huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, về tội "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" theo Khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự.
Các quyết định khởi tố bị can và lệnh trên đã được VKSND tối cao phê chuẩn.
Theo cơ quan chức năng, 3 bị can trên đã thực hiện sai quy trình tố tụng, dẫn tới bỏ lọt tội phạm trong vụ án Bùi Mạnh Tiến (Tiến "Trắng", 26 tuổi, con nuôi Đường "Nhuệ") cùng đồng phạm chém đứt gân tay anh Trần Ngọc Hoàng hôm 22/5/2018 tại huyện Vũ Thư.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh đánh giá hành vi bỏ lọt tội phạm của 3 cán bộ tố tụng ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã xâm phạm hoạt động tư pháp, gây hoang mang xã hội, tạo điều kiện cho tội phạm lộng hành và làm giảm uy tín của các cơ quan tố tụng, do đó cần bị xử lý nghiêm.
Quá trình xác minh tin tố giác tội phạm phải đảm bảo tính khách quan, cán bộ được phân công giải quyết phải có trách nhiệm thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm, làm rõ bản chất sự việc, từ đó ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.
|
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Vũ Thư, bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra (Ảnh: Dân trí)
|
Theo luật sư Kỹ, cơ quan tiến hành tố tụng không được phép làm oan sai người vô tội nhưng cũng không được phép bỏ lọt tội phạm.
Về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” được áp dụng với người có chức vụ, quyền hạn trong việc quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nếu có hành vi bỏ lọt tội phạm, người đó sẽ bị xử lý theo Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, trong vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra ngày 22/5/2018, Tiến "Trắng" cùng đồng phạm đã hành hung khiến anh Trần Ngọc Hoàng (38 tuổi, cùng trú tại tỉnh Thái Bình) là lái xe khách bị thương tích. Bản kết luận pháp y của Viện Pháp y Quân đội sau đó xác định tỷ lệ tổn thương của anh Hoàng là 44%.
Việc không khởi tố vụ án hình sự thuộc tình tiết định khung "không truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng" theo Khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.
Luật sư Kỹ nêu quan điểm, đối với điều tra viên, kiểm sát viên thụ lý vụ việc, họ không có quyền ký quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng là người có trách nhiệm thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan. Nếu họ can thiệp tới các chứng cứ, tài liệu, làm sai lệch, thay đổi bản chất vụ việc, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc” theo Điều 375 Bộ luật Hình sự 2015.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ dẫn tới hành vi làm sai lệch vụ án của các cán bộ này. Nếu có căn cứ cho thấy họ đã bị tác động vật chất bởi các bị cáo, những cán bộ này còn có thể bị xử lý về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Mức phạt nặng nhất người phạm tội có thể bị phạt tới 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, đồng thời, có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.