Ai phải bồi thường khi trực thăng du lịch gặp tai nạn?

Thứ bảy, 08/04/2023 17:26
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo luật sư, phạm vi bồi thường, mức bồi thường, trách nhiệm chi trả trực tiếp cho khách hàng sẽ căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm giữa đơn vị lữ hành du lịch và khách hàng, giữa Công ty Trực thăng miền Bắc và đơn vị lữ hành du lịch.

Trước đó, vào hồi 16h50 ngày 5/4/2023, máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển xuất phát từ bãi đáp Tuần Châu thực hiện chở 4 khách tham quan vịnh Hạ Long.

Chiếc trực thăng mất liên lạc lúc 17h15 cùng ngày do gặp nạn tại khu vực biển giáp ranh địa giới Hải Phòng - Quảng Ninh. Cả 4 hành khách đều có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của tất cả nạn nhân.

Trực thăng du lịch Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc được trục vớt sau vụ tai nạn khiến 5 người tử vong chiều 5/4/2023 trên vịnh Hạ Long (Ảnh: dantri.com.vn)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Công ty Trực thăng Miền Bắc chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ bay trực thăng du lịch trên vịnh Hạ Long trong khi nhiều đơn vị lữ hành cùng chào bán các gói bay (vị trí ngồi, thời gian bay…).

Bảo hiểm trực thăng là loại hình bảo hiểm đặc biệt dành cho các hoạt động của máy bay cũng như những rủi ro xảy ra đến với khách hàng. Hầu hết đơn vị điều hành tour trực thăng đều ký kết với các đơn vị bảo hiểm chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Tổng Công ty trực thăng Việt Nam cho biết đã ký hợp đồng bảo hiểm hàng không năm 2022 - 2023 với liên danh bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC, gồm bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của Hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.

Thời gian gói bảo hiểm kéo dài từ ngày 21/4/2022 đến ngày 20/4/2023, và sẽ có thỏa thuận gia hạn với mức phí hàng năm khoảng 300.000 - 400.000 USD.

Với vai trò là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu, PVI ngay lập tức có mặt tại hiện trường, phối hợp với các bên liên quan để giải quyết vụ tai nạn theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật hiện hành. Do đó, đơn vị này có thể phải chi trả số tiền cao nhất trong 3 công ty.

Trên lý thuyết, công ty bảo hiểm sẽ đền bù cho chiếc trực thăng bị rơi và phi công, dao động từ 1,5 - 2 triệu USD (tương đương 35 - 47 tỷ đồng). Trong đó, gia đình phi công có thế nhận được khoản tiền bảo hiểm khoảng 200.000 USD, tương đương gần 4,7 tỷ đồng.

"Thiệt hại tới đâu thì bảo hiểm sẽ chi trả tới đó. Giá trị càng cao thì chi phí đóng hàng năm càng nhiều, đồng thời, rủi ro càng cao thì chi phí phải trả càng lớn. Trước mắt, gia đình phi công sẽ nhận được khoản tiền bảo hiểm do liên danh bảo hiểm chi trả do hồ sơ có thể xử lý nhanh. Đối với máy bay, việc bảo hiểm sẽ mất thời gian hơn do còn phải điều tra, giám định”, luật sư Tuấn chỉ rõ.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (Số: 66/2006/QH11, ngày 29 tháng 6 năm 2006) sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật số: 61/2014/QH13, ngày 21 tháng 11 năm 2014), tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm: máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác; trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất.

Việc bồi thường đối với những thiệt hại do trực thăng gây ra sẽ được điều chỉnh tại Luật Hàng không dân dụng. Cụ thể, Điều 160 Mục 1 Chương VII Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2014 về bồi thường thiệt hại đối với hành khách, người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách chết hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay.

Luật sư Tuấn phân tích, trách nhiệm chính trong vụ rơi máy bay ở vịnh Hạ Long là của đơn vị điều hành, quản lý chuyến bay, ngoài ra các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm liên đới. Khách mua vé từ đơn vị lữ hành chào bán tour nên việc chi trả bảo hiểm cho hành khách gặp nạn còn phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm giữa đơn vị lữ hành này với hành khách.

Bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long là sản phẩm du lịch phục vụ khách quốc tế từ nhiều năm qua, mới đưa vào phục vụ khách nội địa 2 năm nay. Phương tiện là máy bay trực thăng du lịch mới cỡ nhỏ BELL 505 (5 chỗ ngồi, nhập khẩu từ hãng Bell Helicopters - Mỹ) trong đó 1 chỗ dành cho phi công. Cabin máy bay được thiết kế toàn kính, trong suốt, du khách có thể nhìn ra ngoài toàn cảnh, bất kể ở vị trí nào.

Sân bay riêng trên đảo Tuần Châu thành phố Hạ Long, phục vụ 3 lựa chọn ngắm cảnh Hạ Long (10 phút, 15 phút, 30 phút), giá vé cao nhất khoảng 9,1 triệu đồng/người.

Ngày 7/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người và tài sản trong vụ tai nạn máy bay trực thăng trên vịnh Hạ Long, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật, báo cáo về Bộ trước ngày 10/4.

“Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn. Các bên nên thỏa thuận mức bồi thường phù hợp và thỏa đáng. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung thì gia đình các nạn nhân xấu số và các đơn vị liên quan có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực