“Bảo kê” máy gặt lúa bị xử lý ra sao?

Thứ bảy, 09/10/2021 16:16
(ĐCSVN) - Lợi dụng thời điểm mùa gặt, một số đối tượng đã “ép” chủ máy gặt phải nộp tiền (dấu hiện cưỡng đoạt tài sản) mới có thể yên ổn làm ăn, phục vụ nhu cầu bà con nhân dân. Hành vi này nếu đủ căn cứ hình sự, đối tượng vi phạm có thể phải đối diện mức phạt tù tối đa lên đến 20 năm.

Cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh xử lý vụ việc "chèn ép"
tranh giành địa bàn cung cấp máy gặt tại địa phương. (Nguồn: dantri.com.vn).

Gửi thông tin phản ánh, bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự quan tâm, lo lắng: Những năm gần đây, đặc biệt  thời điểm vào mùa gặt có tình trạng tranh giành địa bàn, “chèn ép”, thu tiền "bảo kê" máy gặt lúa xảy ra tại nhiều tỉnh thành. Hành vi của các đối tượng ngày càng nguy hiểm như cài chông sắt xuống ruộng gây hỏng máy, thậm chí đốt phá máy gặt nếu chủ máy gặt không đáp ứng yêu cầu của chúng. Như vậy, nếu chiếu theo quy định pháp luật, đối tượng vi phạm sẽ chịu trách nhiệm ra sao? Mức phạt quy định thế nào?

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm hiểu vấn đề này theo ý kiến phản ánh của bạn đọc, nhận thấy: Dù không có số liệu thống kê đầy đủ, song hầu như năm nào tại một số địa phương cũng xuất hiện những vụ việc liên quan đến việc “chèn ép”, bảo kê máy gặt. Cơ quan điều tra tại các địa phương nhận định đây là loại tội phạm mới ở nông thôn. Chúng hoạt động theo nhóm, chủ yếu là do các thanh niên lêu lổng đứng ra “bảo kê”, “bảo lãnh” cho các chủ máy gặt làm ăn và “thu phí”. Hành động của nhóm đối tượng này rất táo tợn, có đối tượng còn sử dụng cả hung khí... Các đối tượng thường ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận “bảo kê” với giá cao, nếu không đồng ý thì chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch.

 Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bất ổn an ninh nông thôn mà còn kéo theo việc các chủ máy gặt “thổi” giá lên cao để lấy thu bù chi, ở đây là chi tiền bảo kê. Và xét cho cùng, nạn nhân đích thực của nạn “bảo kê” máy gặt là những người nông dân.

Trước tình trạng “chèn ép”, “bảo kê” máy gặt hoành hành, một số địa phương đã triển khai những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Tuy nhiên, tại một số nơi, để xảy ra tình trạng như trên, còn do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm giải quyết, xử lý một cách rốt ráo. Do đó, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng “chèn ép”, “bảo kê” máy gặt lúa để chiếm đoạt tài sản từ những đối tượng vi phạm pháp luật, người dân và các chủ máy gặt khi bắt gặp hoặc là nạn nhân của tình trạng trên thì nên báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc chính quyền địa phương để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý, tránh bị đe dọa chiếm đoạt tài sản hoặc những rắc rối đáng tiếc có thể xảy ra.

 Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, khi đủ căn cứ cấu thành tội hình sự, đối tượng vi phạm có thể đối diện với “Tội cưỡng đoạt tài sản”. Theo đó, đối chiếu theo quy định, đối tượng vi phạm có thể phải chịu mức xử phạt thấp nhất là 01 năm tù; đặc biệt, trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh hoặc lợi dụng tình trạng khẩn cấp có thể chịu mức phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam (điều 170, chương XVI, Bộ luật hình sự 2015). Cụ thể như sau:

"Tội cưỡng đoạt tài sản

 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

 d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực