Bỏ sổ hộ khẩu, bắt nhịp xu thế cách mạng công nghệ 4.0

Thứ hai, 06/03/2023 12:23
(ĐCSVN) - Đó là ghi nhận ý kiến của đa số người dân khi bàn về câu chuyện sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết hiệu lực từ 01/3/2023.

Anh Nguyễn Văn Cường, ở tổ 2, phường Yên Ninh, TP. Yên Bái cho biết: Qua tìm hiểu và theo dõi thông tin việc Nhà nước ta thực hiện cải cách các thủ tục hành chính trong đó có việc số hóa, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chúng tôi thấy rất vui và phấn khởi, bởi rồi đây các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa tinh gọn, rút ngắn thời gian thực hiện, việc giao dịch các giấy tờ của người dân với cơ quan hành chính Nhà nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi ví dụ như việc bản thân dù mới sử dụng ứng dụng VneID do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, tôi thấy vô cùng tiện lợi, vì một số thủ tục thay vì phải lên chính quyền làm thủ công, thì nay chỉ cần làm tại nhà thông qua thao tác trên một chiếc điện thoại thông minh.

Tôi đánh giá rất cao chủ trương bỏ sổ hộ khẩu, tạm trú để chúng ta đẩy mạnh công cuộc số hóa, xây dựng chính quyền điện tử, nó hẳn là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số ở mỗi quốc gia chứ không riêng gì nước ta. Với việc thay thế từ thủ công, truyền thống sang cách thức quản lý mới trên điện tử sẽ tạo ra rất nhiều tiện ích trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự cho người dân.

 Anh Nguyễn Văn Cường. Ảnh: Kim Chiến

Ông Nguyễn Tiến Hóa, ở tổ 5, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyễn cho biết: Tôi thấy từ khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực (01/07/2021) ngành công an đã có những khâu chuẩn bị, cải cách, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo hướng đổi mới, hiện đại từ rất sớm. Việc tiến hành làm căn cước công dân có gắn chíp và xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính là khâu chuẩn bị quan trong trong việc quản lý về nhân khẩu, là bước đệm then chốt để chúng ta bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang hình thức quản lý điện tử mới. Bản thân tôi cũng thấy, lúc đầu việc không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch dân sự là một vấn đề hoàn toàn mới lạ, thậm chí bỡ ngỡ tưởng chừng rất khó thực hiện; rồi thời gian đầu khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, dù đã có căn cước công dân, nhưng đâu đó còn có việc cơ quan hành chính yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú gây phiền hà,...Tuy nhiên, tôi nghĩ bất cứ việc gì cũng phải có giai đoạn bản lề chuyển giao, giai đoạn trung gian trước khi được hoàn thiện; hơn nữa đây là chủ trương lớn được sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân nên tôi luôn tin tưởng chủ trương sẽ thành công và thực tế hiện nay đang minh chứng cho điều đó.

Tham gia ý kiến dưới góc độ chuyên gia pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Bộ Công an là cơ quan được Chính phủ giao trọng trách số hóa Dữ liệu dân cư, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, song với sự nỗ lực của toàn lực lượng ngành công an, bất kể ngày đêm và thời điểm dịch bệnh COVID-19 nhạy cảm, nhiệm vụ số hóa dữ liệu dân cư do Bộ Công an thực hiện đã hoàn thành so với mục tiêu đề ra, đây là một thành quả lớn giúp Chính phủ và toàn xã hội vận hành theo cơ chế “số hóa”, đưa đất nước bắt nhịp với xu thế cách mạng công nghệ 4.0, xóa bỏ được những thủ tục mang tính cơ học không còn phù hợp như quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là mặc dù Bộ Công an đã hoàn thiện số hóa dữ liệu dân cư và hệ thống đã đi vào hoạt động, hệ thống này sẵn sàng chia sẻ, kết nối với hệ thống của các cơ quan, ban, ngành và các địa phương, nhưng hiện tại nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương chưa hề có sự chuẩn bị trước để đón nhận sự thay đổi này, dẫn đến còn nhiều vướng mắc trong giai đoạn đầu bỏ sổ hộ khẩu giấy, tạm trú để chuyển sang sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong mọi giao dịch thường ngày.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng. Ảnh: KC

Luật sư Nguyễn Văn Đồng nêu ra 03 vấn đề cơ bản mà các bộ, ngành, địa phương cần khắc phục để phối hợp hiệu quả với Bộ Công an số hóa toàn bộ hệ thống hành chính Việt Nam, đó là:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống hành chính công kết nối với hệ thống dữ liệu dân cư của Bộ Công an, nhưng để có thể làm được việc này thì phải có sự vào cuộc ngay, sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt.

Thứ hai, cần tập huấn kỹ năng sử dụng, vận hành hệ thống dữ liệu số của cơ quan khi đã kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của ngành công an cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cho các doanh nghiệp, tổ chức. Nhằm hướng tới mục tiêu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải bắt kịp với xu thế số hóa, có thể sử dụng được các phần mềm quản lý hành chính, quản trị số này. Việc “số hóa toàn ngành, toàn địa phương” như vậy mới mang tới thay đổi trong toàn hệ thống từ Trung ương tới địa phương, từ cơ quan hành chính đến tổ chức tư nhân.

Thứ ba, để có thể số hóa một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của đời sống, thì những người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần chỉ đạo khẩn trương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan mình kịp thời chuyển đổi mô hình quản lý cơ học sang quản lý số; tạo cơ chế cho cán bộ, công chức, viên chức được tham gia tập huấn sử dụng các phần mềm quản lý có thể kết nối với hệ thống dữ liệu dân cư của Bộ Công an; thay đổi toàn bộ cách thức quản lý cũ quán triệt trong toàn cơ quan, đơn vị để đạt hiệu quả tối đa.../.                                                                                   

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực