Các hình thức xóa án tích

Thứ năm, 02/11/2023 00:20
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Minh Hoàng, sống tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hỏi: Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 (Luật số: 28/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009) có quy định liên quan đến vấn đề xóa án tích. Vậy án tích là gì, các hình thức xóa án tích?.

Theo quy định tại Điều 33, Mục 2, Chương III Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp các địa phương có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích.

Luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, án tích là hậu quả pháp lý của việc bị kết án, và cũng là một trong những hình thức của trách nhiệm hình sự. Án tích tồn tại trong suốt thời gian người bị kết án chấp hành bản án và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấp hành xong bản án.

Một người đã chấp hành án thì sẽ có án tích. Theo Điều 69, Chương X, phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì xóa án tích đồng nghĩa với việc được coi như chưa bị kết án, hay nói cách khác lý lịch tư pháp của họ sẽ trở nên trong sạch.

Xóa án tích được quy định trong luật hình sự xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và nhằm khuyến khích người bị kết án chấp hành nghiêm bản án và tuân thủ tốt pháp luật sau khi đã chấp hành xong bản án.

Luật sư Tuấn phân tích, việc xóa án tích đối với một người được xem xét dựa trên các yếu tố, loại tội phạm của người đó và mức hình phạt mà người đó phải chịu. Cụ thể, có 2 hình thức chính:

Đương nhiên xóa án tích:

Một người đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) Bộ luật Hình sự và đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Đã chấp hành xong các hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án treo.

Không phạm tội mới trong thời gian như sau, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt hoặc hết hiệu lực thi hành bản án:

01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Xóa án tích theo quyết định của tòa án:

Người nào phạm tội thuộc Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) thì cần đáp ứng đủ các điều kiện sau mới có thể được xóa án tích:

Đã chấp hành xong các hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án treo.

Không phạm tội mới trong thời gian như sau, kể từ khi chấp hành xong hình phạt:

01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Có đơn xin xóa án tích gửi tòa án;

Được tòa án quyết định cho xóa án tích.

Ngoài ra, Điều 72, Chương X, phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về việc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại Khoản 2, Điều 70 và Khoản 2, Điều 71 của bộ luật này./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực