Cần nghiêm trị hành vi cố ý hủy hoại tài sản

Thứ hai, 10/04/2023 22:36
(ĐCSVN) - Sáng 10/4, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hàng loạt xe ô tô đỗ ở bờ hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) bất ngờ bị thủng lốp, đa số là lốp sau. Cạnh đó, nhiều phương tiện khác cũng bị gạch xước sơn.

Vị trí xảy ra vụ việc đối diện các tòa nhà HH Linh Đàm đang là điểm "nóng" về trật tự đô thị thời gian qua.

Qua kiểm tra thực tế, Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) ghi nhận khả năng đêm 9, rạng sáng 10/4, một số kẻ xấu dùng vật sắc bằng kim loại để “xén” lốp, cạo sơn của các phương tiện ô tô. Công an đã tiếp nhận và đang hướng dẫn những người liên quan làm đơn trình báo, đồng thời khẩn trương phối hợp với các bên liên quan để điều tra xử lý theo quy định.

Theo đại diện Ban Chỉ đạo 197 phường Hoàng Liệt, khu vực quanh các tòa chung cư trên địa bàn luôn “nóng” tình trạng xe ô tô dừng, đỗ tự phát. Đặc biệt tại khu vực xảy ra vụ việc, phường đã có thông báo, đề nghị người dân không dừng, đỗ xe, và chủ động gửi qua đêm ở những điểm có người trông giữ.

Với điều kiện kinh tế phát triển như hiện nay, việc sở hữu một hay thậm chí hai chiếc ô tô không phải là quá khó với nhiều gia đình, song có thể nói chiếc xe vẫn là tài sản giá trị lớn, việc bị xâm hại như trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiếc xe, khiến chủ xe mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để khắc phục. Nhiều người cho rằng, đây là hành vi coi thường pháp luật, rất cần các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và nghiêm trị.

Nhiều xe ô tô đỗ ở vỉa hè tại khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai bị rạch lốp (Ảnh: anninhthudo.vn)

Theo phản ánh của một số cư dân, các bãi đỗ xe đều chật kín, nhiều người biết là đỗ sai quy định nhưng vẫn đỗ xe ở quanh hồ. “Chúng tôi không biết đỗ ở đâu nên đành phải để xe ngoài này. Buổi sáng lấy xe đi làm thấy 2 bánh bên trái cửa lái bị đâm thủng vết to khoảng 1,5 - 2cm, tôi nghĩ người đâm phải dùng vật nhọn đâm với tạo được vết to như thế”, một nam nạn nhân - chủ xe chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn các thành phố lớn, mật độ phương tiện giao thông lớn cùng với hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu về trông giữ phương tiện cũng phần nào dẫn tới sự việc nêu trên.

Đơn cử như tại Thủ đô Hà Nội, sáng 27/9/2021, người dân sống tại khu đô thị Trung Văn (phường Trung Văn) tá hỏa phát hiện xe ô tô của mình đỗ qua đêm tại khu vực đường nội bộ của khu bị tạt sơn đỏ lên nhiều vị trí như kính, gương, nắp ca pô...

Trước đó, vào tháng 2/2021, hơn 10 chiếc xe ô tô của người dân tại khu TT19 (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) đậu trước cửa nhà cũng bị đối tượng lạ phun sơn, hay gần nhất tháng 6 vừa qua chiếc taxi hãng G7 đỗ ở khu vực trước tòa nhà VP6 khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tạt sơn nâu khắp xe.

Xét trên góc độ trách nhiệm dân sự thì dù người đỗ xe có sai thì những người khác đều không có quyền làm hư hại tài sản... Đặc biệt, do việc phá hoại là cố ý nên chắc chắn cần phải bồi thường khi truy tìm ra thủ phạm.

Trước hết, về hành vi đỗ xe của các chủ xe. Nếu đỗ xe ở vị trí, khu vực không vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì chỉ được coi là gây bất tiện cho người khác, cần có ý thức hơn mỗi khi dừng đỗ. Còn nếu vi phạm quy định về dừng đỗ thì lái xe bị xử lý hành chính theo Điểm g, Điểm h Khoản 2; Điểm đ, Điểm e Khoản 3; Điểm đ Khoản 4 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019 với mức phạt tiền lên tới 2 triệu đồng tùy hành vi vi phạm.

Đối với hành vi “xén” lốp, cạo sơn… xe người khác thì tùy vào mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính và phải bồi thường dân sự. Pháp luật quy định rõ ràng nếu phá hoại tài sản của người khác nếu nhẹ thì bồi thường, còn nếu nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi chủ tài sản có đơn đề nghị khởi tố vụ án hình sự về hành vi làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản.

Cụ thể, theo Điều 178 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) sửa đổi bổ sung năm 2017: Nếu thiệt hại gây ra từ 2 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc vi phạm có tổ chức thì có thể bị xử phạt đến 7 năm tù; trường hợp gây thiệt hại từ 200 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù đến 10 năm và “kịch khung” có thể đến 20 năm nếu thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên.

Nếu thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp tại Khoản 1 Điều 178 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015, thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Mục 1 Chương II Nghị định 167/2013/NĐ-CP (Số: 167/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013) trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy và phòng chống bạo lực gia đình, với mức phạt tiền lên tới 5 triệu đồng về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Theo luật sư Tuấn, thực tế nhiều người vì bực tức khi xe ô tô đỗ chắn cửa nhà mình hoặc đỗ gây cản trở giao thông đã cố tình phá hoại nhằm mục đích "dằn mặt" chủ xe, hoặc cũng có thể vì một lý do tế nhị nào đó để “cảnh báo và hướng dẫn” người chủ xe gửi xe vào các bãi xe, vị trí trông giữ xe (chưa biết có được cấp phép hay không nữa!!!)

Do vậy, các cơ quan chức năng của thành phố cũng như chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát tổng thể và bổ sung giải pháp hiệu quả, mang tính khả thi hơn nữa với bài toán điểm đỗ xe, giao thông tĩnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực