Cần nghiêm trị hành vi côn đồ

Thứ sáu, 10/02/2023 10:37
(ĐCSVN) - Tối 2/2, anh Nguyễn Hoàng Dũng (34 tuổi) sống tại chung cư Saigon Riverside trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh, dẫn con trai đi vào sảnh chờ thang máy. Lúc này, con chó của nam thanh niên Đào Thế Vinh (28 tuổi), cũng sống tại chung cư, không rọ mõm, không dây xích liên tục tiến lại gần. Thấy con hoảng sợ, không muốn con chó đến gần nên anh Dũng lên tiếng nhắc nhở chủ nhân của chú chó nhưng người này không có động thái gì và còn có hành vi côn đồ.

Theo luật sư, việc này được xử lý ra sao, xử lý thế nào, trước tiên phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Trong trường hợp có đơn đề nghị xử lý hình sự, đồng thời kết quả giám định thương tích dù dưới 11% thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ.

Sau khi lên tiếng nhắc nhở chủ nhân của chú chó nhưng người này không có động thái gì, lo sợ nguy hiểm nên anh Dũng dùng chân đẩy con vật ra. Lập tức, chủ chó đã lao đến dùng tay đánh vào mặt khiến anh ngã nhào xuống, chảy nhiều máu. Chưa dừng lại ở đó, chủ chó còn buông lời đe dọa rồi mới chịu rời đi.

Sau khi bị hành hung, anh Dũng đến công an phường Phú Thuận trình báo rồi đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện chẩn đoán bước đầu, nạn nhân bị thương mí mắt trái, chấn thương mặt, mắt trái, gò má trái, phần mềm ngực trái, vỡ mảnh 1x2 milimet răng cửa hàm dưới trái.

Vụ việc vẫn đang được công an quận 7 thụ lý, điều tra. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, xử lý nghiêm vụ việc, báo cáo kết quả về UBND.

Camera an ninh tòa nhà chung cư ghi lại toàn bộ sự việc (Ảnh chụp màn hình. Nguồn: thanhnien.vn) 

Nhiều người thắc mắc về quy định của pháp luật trong việc nuôi chó mèo tại chung cư cũng như hành động của chủ chó có thể đối diện với hình thức xử lý nào.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Khoản 3 Điều 3 Chương I Luật Nhà ở năm 2014 (Luật số: 65/2014/QH13, ngày 25 tháng 11 năm 2014) nêu rõ, nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Theo quy định tại Điểm 5, 6, 7 Điều 2 Chương I Luật Chăn nuôi (Luật số: 32/2018/QH14, ngày 19 tháng 11 năm 2018) thì vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi; gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi; và gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.

Căn cứ vào Điểm 3 Điều 35 Mục 2 Chương IV Nghị định 99/2015/NĐ-CP (Số: 99/2015/NĐ-CP, ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở năm 2014) thì các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư bao gồm chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư.

“Chó, mèo không phải gia súc nên pháp luật không cấm nuôi trong chung cư. Tuy nhiên, tại mỗi nhà chung cư thì các chủ sở hữu, người sử dụng phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua. Nếu có quy định cấm thì không được nuôi”.

Theo luật sư Tuấn, vụ việc xảy ra không chỉ thể hiện ý thức kém trong việc thực hiện nếp sống văn minh, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, an toàn công cộng, hành vi của chủ vật nuôi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý của nạn nhân, nhất là diễn ra trước mặt trẻ em sẽ tạo ra cú sốc tâm lý. 

Về hình thức xử lý, theo Điều 603 Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật, cụ thể là anh Vinh phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra, pháp luật quy định rõ, khi đưa chó ra nơi công cộng thì người chủ có thể lựa chọn đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó mà không buộc phải thực hiện cả hai hình thức. Tuy nhiên phải đảm bảo luôn có người dắt đi nếu không thực hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y).

Nếu anh Dũng có đơn đề nghị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích (Điều 134 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), đồng thời kết quả giám định thương tích dù tỷ lệ dưới 11% thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người chủ chó với tình tiết định khung là hành vi có tính chất côn đồ.

Cụ thể, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một số trường hợp, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Về xử lý hành chính, theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 7 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình) thì người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Ngoài ra, anh Vinh có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần không quá 50 tháng lương cơ bản.

“Mặc dù sau khi sự việc xảy ra, anh Vinh đã tỏ ra hối lỗi, xin lỗi người bị hại và không còn gì để bào chữa cho hành vi sai trái của mình, tuy nhiên cũng cần phải có mức xử lý phù hợp để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực