Cần nghiêm trị hành vi hủy hoại cây trồng

Thứ hai, 25/12/2023 14:30
(ĐCSVN) - Những ngày qua, dư luận không khỏi xót xa khi 12.000 gốc bí của một người dân ở Nghệ An sắp được thu hoạch bị kẻ gian phá hoại bằng cách nhổ cây, chặt gốc. Quan điểm của luật sư lên án mạnh mẽ hành vi phá hoại trên, kẻ phá hoại cần phải bị nghiêm trị thích đáng!

Hành vi đáng lên án!

Trước đó, ngày 20/12, ông Võ Văn Dương, sinh năm 1982, trú tại xóm 1, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) ra ruộng kiểm tra thì bàng hoàng phát hiện hàng nghìn gốc bí bị kẻ gian nhổ cây, chặt ngang gốc, thân và quả bị héo rũ.Theo chủ vườn, diện tích bí đã được trồng hơn 2 tháng, khoảng 20 ngày nữa sẽ cho thu hoạch nhưng bị kẻ xấu phá hoạt khiến chủ vườn bí lâm cảnh trắng tay.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn, huyện Đô Lương cũng xác nhận trên báo giới: Có khoảng 1 ha bí sắp đến kỳ thu hoạch của người dân trên địa bàn vừa bị kẻ gian phá hoại. Qua kiểm đếm, có khoảng 12.000 gốc bí bị kẻ xấu chặt gốc, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ông Võ Văn Dương (ở Lam Sơn, Đô Lương, Nghệ An) buồn bã khi 12.000 gốc bí sắp được thu hoạch bị kẻ xấu phá hoại. (Ảnh: Thu Hiền) 

Trao đổi về vụ việc, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra tình trạng phá hoại cây trồng gây bức xúc trong dư luận. Đây là loại tội phạm phá hoại tài sản trong kinh tế nông nghiệp, cần lên án mạnh mẽ và phải xử lý nghiêm theo quy định.

Với vụ việc ở xã Lam Sơn, Đô Lương (Nghệ An), việc phá hoại hàng nghìn gốc bí ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng, đây là hành vi hủy hoại tài sản khá rõ ràng. Được biết, vụ việc đang được Công an huyện Đô Lương tích cực điều tra, làm rõ.

Trong vụ việc này, các đối tượng có hành vi chặt phá bí đã có dấu hiệu phạm vào tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Thiết nghĩ, cơ quan điều tra cần xem xét khởi tố vụ án và khởi tố bị can, đồng thời phải ra quyết định trưng cầu định giá tài sản để làm căn cứ xác định khung hình phạt.

Căn cứ theo kết quả điều tra của cơ quan công an, sẽ xác định được vụ việc do 1 đối tượng hay 1 nhóm đối tượng gây ra để truy tố tội danh. Trường hợp do nhóm đối tượng gây ra, khi áp dụng hình phạt phải xác định các tình tiết khác để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, từ đó đưa ra mức hình phạt phù hợp đối với từng đối tượng trong vụ án. Trong vụ việc này hành vi chặt phá tài sản của các đối tượng đối với 12.000 gốc bí gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng đã có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm hình sự.

Cần được điều tra xử lý nghiêm để răn đe người vi phạm

Luật sư Phương nhận định, tình trạng phá hoại các cây trồng không chỉ gây thiệt hại nặng nề về tài sản mà còn gây tâm lý bất an cho nông dân. Tuy nhiên, để ngăn chặn, truy tìm đối tượng phá hoại rất khó khăn, bởi hầu hết các vụ việc thường xảy ra vào ban đêm, tại các khu vực thưa dân cư. Nhân chứng, chứng cứ lại hạn chế cho nên gây khó khăn cho việc điều tra. Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn thường phát sinh những mâu thuẫn cá nhân trong hàng xóm, láng giềng; hay việc cạnh tranh không lành mạnh trong làm ăn giữa các gia đình cũng tiềm ẩn nguy cơ phá hoại tài sản cây trồng, vật nuôi...Thiết nghĩ, các hành vi phá hoại này cần được điều tra xử lý nghiêm để răn đe người vi phạm.

 Luật sư Khương Tân Phương. (Ảnh: Kim Chiến)

Luật sư Khương Tân Phương nhấn mạnh thêm, mọi hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác đều sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Tùy tính chất, mức độ của hành vi thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, sẽ phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi thì mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội danh này là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tù.

“Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được Luật Hình sự quy định về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” tại Điều 178 của Bộ luật Hình sự 2015.” – Luật sư Khương Tân Phương nói.

Ngoài ra, đối tượng thực hiện hành vi còn phải bồi thường thiệt hại cho cá nhân do tài sản bị xâm phạm, bao gồm thiệt hại về tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015.

“Để bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, ngay khi phát hiện các vụ việc, với các sự vụ tương tự ở xã Lam Sơn, Đô Lương (Nghệ An) vừa qua, người dân cần trình báo ngay sự việc cho cơ quan công an và phối hợp với cơ quan công an để làm rõ sự việc, truy bắt đối tượng hủy hoại. Hiện nay, tình trạng hủy hoại nông sản diễn ra ở khá nhiều địa phương, trong đó có nhiều vụ không tìm được hung thủ, mặc dù pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi này nhưng những kẻ xấu tiếp tục tái diễn những hành vi vi phạm pháp luật như thể thách thức pháp luật. Vì vậy thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần phải có những hành động quyết liệt hơn nữa, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật cũng như để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang bị xâm phạm”- Luật sư Khương Tân Phương nêu quan điểm.

Điều 178: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực