Cần tăng mức phạt với hành vi hút thuốc trong trường học

Thứ năm, 07/09/2023 23:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo luật sư Kỹ, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định cấm hút thuốc lá trong trường học nhưng thực tế tình trạng hút thuốc trong cơ sở giáo dục nói chung và giáo viên hút thuốc nói riêng vẫn xảy ra.

Trước đó, một số học sinh trường tiểu học Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã bị bỏng (đa số ở tay) do nổ bóng bay trong buổi sáng khai giảng năm học mới 2023 - 2024.

Theo báo cáo ban đầu của Ban giám hiệu, sau phần lễ khai giảng, các thầy cô giáo trong trường có thả chùm bóng bay (khoảng 20 quả) lên trời, một số học sinh và phụ huynh chạy vào để lấy bóng. Cùng lúc đó, thầy giáo Lê Huy Chính đi qua, trên tay cầm thuốc lá thì vô tình chạm phải làm bóng bay phát nổ.

Em Đồng Ngọc Q. (học sinh lớp 5) bị bỏng ở mặt, tay cũng đang phải băng bó (Ảnh: Ngô Nhung)

Sau khi sự việc xảy ra, Ban Giám hiệu cùng các thầy cô giáo đã đưa học sinh lên Trạm y tế xã Yên Phú sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định. Hiện sức khỏe các em đã ổn định, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

"Đây là vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra đúng ngày vui khai giảng năm học mới. Ban Giám hiệu, thầy cô giáo và lãnh đạo phòng đang tập trung lo điều trị cho các em học sinh", bà Nguyễn Thị Khuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định cho biết.

Nhiều bạn đọc thắc mắc dù có quy định cấm hút thuốc lá trong khu vực trường học nhưng tại sao hành vi này vẫn xảy ra.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết Điều 22 Chương I Luật Giáo dục 2019 (Luật số: 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020) nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự…

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật số: 09/2012/QH13, ngày 18/6/2012), có hiệu lực từ ngày 01/5/2013 gồm 5 Chương và 35 Điều, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc lá và các biện pháp đảm bảo thực hiện luật, nêu rõ trường phổ thông là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên.

Theo đó, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.

Báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, trong khói thuốc lá chứa khoảng 7 nghìn loại hóa chất, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư. Một số chất độc hại điển hình trong khói thuốc lá gồm: Nicotine (chất gây nghiện có trong thuốc lá, được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào), Hắc ín (Tar), Carbon monoxide (khí CO), Benzene, Nitrosamines, Ammonia, Formaldehyde, Hydrogen cyanide…

Có thể nói, 10 năm qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong môi trường giáo dục luôn được xã hội quan tâm, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên chỉ đạo và triển khai thực hiện. Xác định xây dựng môi trường học đường không thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng, Bộ đã cụ thể hóa quy định trường học không thuốc lá trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo của ngành.

Cụ thể, tại Khoản 5 Điều 38 Chương IV Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010 (Số: 41/2010/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2010) của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Khoản 5 Điều 35 Chương IV Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, ngày 28/3/2011, đều nêu rõ các hành vi giáo viên không được làm bao gồm uống rượu, bia, hút thuốc lá khi tham gia các hoạt động giáo dục ở nhà trường, sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp.

Về xử phạt vi phạm, theo quy định tại Điều 25 Chương II Nghị định 117/2020 (Số: 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/9/2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm.

Công tác tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật liên quan tới tác hại của thuốc lá cần tiếp tục được tăng cường trong cộng đồng xã hội, đồng thời nghiên cứu, xem xét tăng mức phạt để mang tính răn đe.

“Ngay cả khi không trực tiếp hút thì việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em. Việc giáo viên hút thuốc trong trường học không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của học sinh, mà còn tạo ra một hình ảnh chưa đẹp, có thể khiến các em học theo”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực