Cản trở báo chí tác nghiệp có bị xử lý hình sự?

Thứ năm, 28/12/2023 10:56
(ĐCSVN) - Theo luật sư, cản trở báo chí tác nghiệp là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.

Có thể nói, báo chí là một nghề “đặc biệt”, cần phản ánh nhanh, chính xác các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, không ít nhà báo, phóng viên đã bị “gây khó”, thậm chí bị đe dọa, hành hung, phá hoại tài sản. Vậy, những hành vi nêu trên có được phép hay không, nếu xảy ra thì bị xử lý thế nào?

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Trương Anh Tuấn (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết Luật Báo chí 2016 (Luật số: 103/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016) nêu rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng thời, cũng bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…

Có thể hiểu, việc cản trở hoạt động báo chí được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.

 Ảnh minh họa, nguồn: Thanhuytphcm.vn.

Khoản 12 Điều 9 Chương I Luật Báo chí 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Luật sư Tuấn phân tích, các tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm nội dung Khoản 12 Điều 9 Chương I Luật Báo chí 2016 thì hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý theo Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP (Số: 119/2020/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Theo đó, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp hay hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi, buộc trả lại phương tiện, tài liệu thu giữ trái phép…

Trong thực tế từng vụ việc và quá trình áp dụng luật, có thể thấy, các mức xử phạt cho hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí tại Nghị định 119/2020/NĐ-CP đã cao hơn 2 lần so với Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (mức thấp nhất từ 5.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng, và mức cao nhất từ 30.000.000 đồng lên 60.000.000 đồng).

Thậm chí, trong một số trường hợp, cơ quan chức năng sẽ căn cứ mức độ nghiêm trọng của hành vi để xem xét xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm với tội danh như “giết người” (Điều 123 Bộ luật Hình sự), “đe dọa giết người” (Điều 133 Bộ luật Hình sự), “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134 Bộ luật Hình sự), “làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự), “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (Điều 157 Bộ luật Hình sự), “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178 Bộ luật Hình sự), hoặc “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167 Bộ luật Hình sự)…

“Điều này chắc chắn mang tính cảnh tỉnh và răn đe nhiều hơn, từ đó hỗ trợ cho các nhà báo chân chính thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò và quyền của mình, trong đó có quyền “phò chính, trừ tà” như Bác Hồ đã dạy, tức là tích cực đấu tranh bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu, để cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực