Ngày 7/5, tổ công tác Công an quận Hà Đông cho biết đã dẫn giải thành công đối tượng Lê Tuấn Cường (SN 1995, quê quán xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), từ Đà Nẵng về trụ sở Công an quận để phục vụ công tác đấu tranh về hành vi sản xuất pháo hoa nổ.
Theo điều tra ban đầu, khoảng tháng 12/2022, do không có việc làm ổn định nên Lê Tuấn Cường vào mạng Internet học cách sản xuất pháo hoa nổ, sau đó đặt mua nguyên liệu rồi tự sản xuất pháo hoa nổ tại nhà trọ ở khu tập thể 19/3, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
|
Tang vật bị lực lượng công an thu giữ (Nguồn ảnh: anninhthudo.vn)
|
Cảm thấy địa điểm này chưa an toàn, trung tuần tháng 4/2023, Cường chuyển toàn bộ nguyên liệu sản xuất pháo và pháo hoa nổ đến căn hộ thuê tại tầng 2 khu CT 6A, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Tối 18/4, khi biết lực lượng Công an quận đang kiểm tra tạm trú và tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt VNeID ở tầng 1 chung cư CT6A, đối tượng đã bỏ trốn. Kiểm tra hành chính căn hộ tầng 2, tạm giữ 34 quả pháo hoa nổ trọng lượng 12,9 kg cùng toàn bộ nguyên liệu sản xuất.
Đối tượng Cường di chuyển qua nhiều địa phương, rồi dừng lại ở Đà Nẵng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác Công an quận Hà Đông phối hợp Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ Lê Tuấn Cường tại địa bàn phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Ninh Văn Quang, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết quy định về quản lý, sử dụng pháo đã được nêu rất rõ trong Điều 5 Chương I Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Cụ thể, nghiêm cấm các hành vi như sau: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này; Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo…
Về xử phạt vi phạm hành chính, Điểm e Khoản 4 Điều 11 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (ngày 31 tháng 12 năm 2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Ngoài ra, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trên.
Sau khi củng cố hồ sơ, căn cứ trọng lượng pháo nổ thu giữ tại hiện trường, nhân thân người vi phạm…, lực lượng chức năng có thể xử lý hình sự đối tượng Cường theo quy định tại Điều 190 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Hoặc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo. Người nào sản xuất pháo nổ, chế tạo thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Điều 305 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015 nêu rõ người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Có thể thấy, mặc dù lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường quản lý chặt tại địa bàn nhưng rõ ràng hành vi mua bán pháo và nguyên liệu sản xuất pháo vẫn tràn lan trên mạng xã hội. Có cầu ắt có cung, giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng pháo trái phép là phải cắt nguồn cung, chủ yếu nhập lậu qua đường biên giới.
Luật gia Quang khuyến cáo, tuyệt đối không tham gia sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là pháo nổ, pháo hoa nổ, các loại vũ khí quân dụng, súng săn, súng hơi, súng thể thao, súng tự chế, thuốc pháo, thuốc nổ.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân và mọi người không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, pháo hoa nổ; không tàng trữ và sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân./.