Cảnh báo sử dụng xung điện gây chết người

Thứ năm, 18/11/2021 20:27
(ĐCSVN) – Dù pháp luật đã nghiêm cấm và liên tục được tuyên truyền, cảnh báo song tình trạng một số người dân dùng xung điện để diệt chuột bảo vệ sản xuất vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc, thậm chí chết người. Tuy nhiên, hành vi vi phạm này vẫn đang có những diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, trước những nguy hiểm rình rập từ xung điện tới điều kiện sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát đi những thông tin cảnh báo người dân cần cẩn trọng, không sử dụng xung điện trong các hoạt động sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau như từ nhận thức, thói quen… nên vẫn còn hiện tượng một số người dân tiếp tục sử dụng loại công cụ này. Đặc biệt là thời điểm tại các khu vực nông thôn, nơi thói quen sử dụng công cụ này vẫn còn diễn ra tương đối phức tạp. Hơn nữa, việc sử dụng loại hình công cụ nguy hiểm này phần lớn thường được người dân sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi, khu vực có nhiều sông, suối, hồ hoặc khu vực nương rẫy, nơi không bảo đảm yêu cầu cao về an toàn phòng, chống điện giật.

Một số người dân không tuân thủ quy định pháp luật, vẫn lén lút sử dụng xung điện trong hoạt động sản xuất. (Ảnh: T.C)

Vào thời điểm thu hoạch hoa màu trong thời gian này, nhiều người dân thiếu ý thức lấy lý do để bảo vệ hoa màu, bảo vệ vườn tược, sản xuất, kinh doanh đã bất chấp, lén lút sử dụng xung điện để tiêu diệt động vật nguy hại như chuột, rắn … Việc sử dụng công cụ thiếu an toàn này trong trường hợp thiếu kỹ năng hoặc chủ quan không kiểm tra an toàn thiết bị đã khiến nhiều người gặp tai nạn đáng tiếc, thậm chí phải trả giá do vô tình gây ra cái chết cho người khác, thậm chí cho bản thân hoặc người thân trong gia đình. Đã có rất nhiều hệ lụy từ việc sử dụng công cụ này gây mất an toàn tới điều kiện sức khỏe, thậm chí gây chết người vô tình chạm phải. Điều đáng chú ý là những khu vực người dân thiếu ý thức dùng xung điện diệt chuột rất gần đường giao thông và nhà dân, có nhiều người qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Với suy nghĩ dùng xung điện diệt chuột sẽ cho hiệu quả và ít tốn công sức hơn so với cách đánh bả, đào bắt song những cái chết luôn treo lơ lửng trên đầu người dân.

 Mới đây nhất, cuối tháng 8/2021, cơ quan công an tỉnh Hưng Yên đã tiến hành khởi tố bị can Trần Văn Cần (56 tuổi, trú tại xã Đào Dương, huyện Ân Thi) về tội giết người. Theo điều tra, gia đình ông Cần trồng lúa tại cánh đồng Đường Cái thuộc thôn Phần Dương, xã Đào Dương. Thấy chuột vào cắn phá lúa, đầu tháng 8-2021, ông Cần dùng khoảng 475m dây điện đấu nối từ nhà ra ruộng lúa và nối với dây thép cắm quanh ruộng để diệt chuột. Ông này có treo bốn bóng đèn (dạng bóng đèn hình quả nhót) để cảnh báo ở bốn góc ruộng nhưng không làm biển cảnh báo, không thông báo cho các hộ dân có ruộng xung quanh và chính quyền địa phương biết, cũng không ở gần ruộng trông coi mà về nhà. Trong quá trình đi làm vườn về, bà T.T. V. (72 tuổi, trú cùng thôn) không may dẫm phải xung điện, dẫn tới tử vong. Biết mình gây ra hậu quả nghiêm trọng, ông Cần đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi.

Theo luật sư Lê Xuân Thảo, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc sử dụng xung điện khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn trong trường hợp gây tai nạn chết người thì đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo Điều 59 Luật Điện lực năm 2004 quy định về sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp như sau:

 1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.

 2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

 3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.

 ..."

 Căn cứ khoản 7 Điều 7 Luật Điện lực năm 2004 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện:

 "... 7. Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 của Luật này."

 Như vậy, hành vi sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ mà không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì đều là hành vi bị nghiêm cấm. Về trách nhiệm hình sự, đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt một số trường hợp như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người (quy định tại khoản 1, điều 123, chương XIV, Bộ luật Hình sự 2015). Trường hợp nếu có đủ cơ sở kết luận tội danh này, đối tượng vi phạm có thể phải đối diện mức xử phạt thấp nhất 12 năm tù; trường hợp cơ quan chức năng xác định tình tiết tăng nặng hoặc vô cùng nguy hiểm thì có thể phải chịu mức án cao nhất là tử hình.

- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người. (quy định tại điều 128,  chương XIV, Bộ luật Hình sự 2015). Trong trường hợp này, pháp luật quy định, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm…

 Về trách nhiệm dân sự, chủ thể tiến hành giăng bẫy điện mà làm chết người thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định của pháp luật dân sự. Điều này phụ thuộc vào quá trình xác minh mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm của đối tượng gây ra.

 “Tuy nhiên, đối với tội phạm hình sự thì việc kết luận chính xác tội danh phụ thuộc vào kết luận điều tra của cơ quan điều tra trong từng trường hợp cụ thể. Do đó, trên cơ sở quá trình điều tra, truy tố, cơ quan chức năng sẽ xem xét đầy đủ các yếu tố để tiến hành thực hiện xem xét mức xử lý phù hợp với tội danh của đối tượng vi phạm. Trên đây là những ý kiến phân tích mang tính tham khảo, bởi tùy từng trường hợp mà đối tượng bị truy tố về tội vô ý làm chết người hay giết người và phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.” – Luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực