Cảnh sát mặc thường phục được phép “bắn” tốc độ?

Thứ hai, 05/09/2022 15:23
(ĐCSVN) - Bạn đọc Lê Văn Tám, sống tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa hỏi: "Gần nhà bố tôi có một điểm cảnh sát giao thông thường xuyên “bắn” tốc độ các phương tiện qua lại. Tuy nhiên, người cầm máy “bắn" tốc độ chỉ mặc thường phục. Xin hỏi quy định mới nhất về nội dung này?"

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông (CSGT) có quy định về trang phục, phương tiện giao thông của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ.

CSGT khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm sẽ sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu Công an Nhân dân theo quy định của Bộ Công an. Nếu vào buổi tối, ban đêm hoặc ban ngày trong điều kiện thời tiết sương mù, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải mặc thêm áo phản quang ở bên ngoài.

Trong trường hợp CSGT kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, được bố trí bộ phận CSGT mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

CSGT được mặc thường phục khi sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ “bắn” tốc độ (Ảnh minh họa, nguồn: zingnews)

Thông thường CSGT sử dụng thiết bị theo dõi tốc độ tại các đoạn đường cao tốc, nơi mà người điều khiển phương tiện dễ vi phạm quy định. Trên các đoạn đường quốc lộ nơi có nhiều phương tiện tham gia giao thông cũng được cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tốc độ và tiến hành xử phạt.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 9 Mục 3 Chương II Thông tư 01/2016 ngày 04 tháng 01 năm 2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông cũng nêu rõ: Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, việc mặc thường phục phải được chỉ định trong các văn bản của người có thẩm quyền chỉ đạo. Cụ thể, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT, Trưởng công an huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh trở lên quyết định việc mặc trang phục cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sẽ ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát, được công khai bằng việc niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị; hoặc đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT, Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, phòng CSGT; hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Điều này được nêu rất rõ tại khoản 2 Điều 10 Mục 3 Chương II Thông tư 65/2012/TT-BCA.

Luật sư Kỹ cho biết, chiến sĩ CSGT mặc thường phục “bắn” tốc độ sẽ không được lập biên bản vi phạm hành chính mà phải gửi kết quả hình ảnh bắn tốc độ có đầy đủ số liệu về cho đội/đoàn kiểm tra mặc trang phục Công an Nhân dân, đeo số hiệu đầy đủ để tiến hành rà soát theo quy định của pháp luật.

Hiểu đơn giản thiết bị chuyên dùng “bắn” tốc độ có thể tính toán được tốc độ của xe trên một đoạn đường nhất định, sau khi đã xác định được phương tiện liệu có vi phạm về tốc độ hay không thì thiết bị này còn giúp ghi lại hình ảnh của đối tượng vi phạm.

Theo Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, thông thường các loại máy “bắn” tốc độ có ghi hình ảnh này đều thuộc danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng hầu hết để giúp CSGT có thể phát hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự và an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình; phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; thiết bị đo, thử chất ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; thiết bị định vị vệ tinh…

Bộ Công an cũng nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

“Vì vậy, việc CSGT hoá trang, “bắn” tốc độ để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật”, luật sư Kỹ khẳng định./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực