Cây xanh bật gốc và trách nhiệm bồi thường?

Thứ hai, 03/04/2023 18:33
(ĐCSVN) - Theo luật sư, cây gãy đổ thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP HCM thì công ty phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại. Trường hợp trong khuôn viên cơ sở giáo dục, đã bàn giao quản lý cho nhà trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Trước đó, khoảng 07h05 ngày 3/4, cây xanh cổ thụ (cây me tây) cao khoảng 15m, đường kính gốc khoảng 1m trong khuôn viên trường THCS Trần Văn Ơn (phường Đa Kao, quận 1) bất ngờ bật gốc, đổ ra phía đường Nguyễn Văn Thủ, gây sập tường và đè trúng một số người đứng gần đó. Phần rễ cây trơ trụi rộng chừng vài mét có dấu hiệu bị mục. Đến 08h30, hiện trường vẫn đang được xử lý.

Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận 1 khẩn trương phối hợp với công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM tới hiện trường. Hiện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM và các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân vụ việc.

Ghi nhận ban đầu 7 trường hợp, trong đó 6 người được đưa đến bệnh viện, một người khác tự đến bệnh viện khám. Hai trường hợp tại Bệnh viện Quận 1 ổn định, có thể được xuất viện sớm nếu kết quả theo dõi, chụp chiếu đều ổn định. Đa số nhẹ, chấn thương đầu, cột sống, tứ chi, bụng, ngực. Hai người bị gãy xương đùi. Đáng chú ý có một phụ nữ mang thai 8 tuần.

Hiện trường vụ việc (Ảnh: tuoitre.vn) 

Bà Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, xác nhận trong số 5 người bị thương có một nam học sinh lớp 7 của trường và phụ huynh của em này. Kết quả thăm khám, chụp chiếu… tại Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận nam học sinh bị gãy 1/3 giữa xương đùi trái.

Ngoài ra, công tác rà soát, kiểm tra hệ thống cây xanh trong trường vừa được tiến hành ngày 22/2. Cây vừa bị bật gốc cũng trong danh sách nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, Điều 14 Chương II Hiến pháp năm 2013 quy định rõ Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Trong các quyền ấy, quyền bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe là một trong những quyền căn bản, hàng đầu.

Khi quyền này bị xâm phạm, dẫn đến thiệt hại thì phải xác định rõ người, tổ chức chịu trách nhiệm, nhất là khi tính mạng con người là quý giá, không gì bù đắp, khắc phục được.

Thực tế, mùa mưa ở miền Nam thường kéo dài từ tháng tháng 4 đến hết tháng 9, cũng có thời điểm kết thúc muộn hơn. Khác với cảnh mưa phùn, mưa dầm ở miền Bắc, mưa ở TP Hồ Chí Minh là mưa dông. Thời tiết đang nắng bỗng chốc đổ mưa, mưa đến rồi cũng đi rất nhanh.

Về trách nhiệm trong tình huống nêu trên, theo quy định tại Điều 604 Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015), chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng. Cụ thể đơn vị sở hữu, quản lý có thể lường trước, khắc phục bằng cách cắt tỉa cành, gia cố chống cây... trong mùa mưa.

Các Điều 589, Điều 590, Điều 591 Mục 2 Chương XX và Điều 604 Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Hiện nay, tại TP HCM, hầu hết các cây được giao cho Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP HCM quản lý.

“Do đó trường hợp cây gãy đổ thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP HCM thì công ty phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại. Trường hợp cây nằm trong khuôn viên cơ sở giáo dục, đã bàn giao quản lý cho nhà trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm bồi thường”.

Theo luật sư Kỹ, người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ luật Dân sự, gồm thiệt hại do tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại tính mạng; chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tổn thất tinh thần…

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại Khoản 2 điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Sự kiện bất khả kháng, theo quy định tại Điều 156 Mục 2 Chương X Bộ luật Dân sự 2015 là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nếu lường trước được mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Tính chất không lường trước được, tính chất không thể tránh được và không thể chống đỡ được phải được xem xét, đánh giá cụ thể trong từng trường hợp.

“Nếu chủ sở hữu cây xanh muốn chứng minh sự cố bất khả kháng trong trường hợp này (do mưa bão) thì phải chứng minh được việc mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, như: kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây rộng, hư hỏng, kiểm tra gốc rễ trước khi xảy ra mưa bão, nhưng sau đó vẫn xảy ra hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba”, luật sư Kỹ phân tích.

Rất may vụ việc nói trên chưa gây thiệt hại về tính mạng. Do đó, thời gian tới, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà trên phạm vi cả nước, các cơ quan đơn vị cần tăng cường công tác chặt, tỉa cành những cây có nguy cơ gãy đổ cao trước mùa thiên tai, mưa bão đến gần, đồng thời nắm vững hồ sơ lý lịch từng cây xanh… để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực