Chấm dứt hợp đồng lao động trái luật xử lý như thế nào?

Thứ hai, 27/09/2021 10:33
(ĐCSVN) – Lấy lý do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tới điều kiện sản xuất kinh doanh, một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Mặc dù, thực tế, doanh nghiệp không hề chịu ảnh hưởng mà còn có những khoản lợi nhuận gia tăng. Tuy nhiên, quy định để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân dường như chưa nhiều người lao động nắm rõ.
leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa: Nguồn: daidoanket.vn)

Phản ảnh thông tin tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, anh N.Đ.V, địa chỉ mail: ducvinh84xx@gmail.com cho biết: Anh và chủ một doanh nghiệp chuyển sản xuất, cung ứng sản phẩm lương thực trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động trong thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Gần đây, lấy lý do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã tiến hành việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật với anh V cùng một số người lao động khác, mặc dù anh V cũng như những người lao động hoàn toàn nắm rõ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không bị thiệt hại, thậm chí còn có những khoản lợi nhuận gia tăng. Qua tìm hiểu, anh V cho rằng, doanh nghiệp ban hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nhằm mục đích không phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ... có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vậy, trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng xác nhận việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động thì nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động được quy định ra sao? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để những phân tích, giải đáp về tình huống này.

 Theo luật sư Hoàng Dương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trường hợp nếu cơ quan chức năng xác nhận việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động thì có khả năng xuất hiện hai tình huống như sau: Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc hoặc Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì nghĩa vụ của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động được quy định tại Điểm 2, Điểm 3, Điều 41, Mục 3, Chương III, Bộ luật Lao động 2019. Theo đó:

 - Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.

 - Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

 Ở hai tình huống này, điều khoản pháp luật đề nêu cụ thể người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này. Theo đó, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có nội dung liên quan đến việc “Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm” cho người lao động (Khoản 1, Điều 8, Mục 2, Chương III). Cụ thể như sau:

 Trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

 1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật Lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động, trừ các trường hợp sau:

 a) Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội;

 b) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật Lao động. Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Bộ luật Lao động.

 Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên, doanh nghiệp nơi anh V đang ký kết hợp đồng hợp pháp theo quy định mà đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định thì sẽ phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc.

 “Như vậy, pháp luật đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sử dụng phải thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động. Do nội dung thông tin của anh V không nói rõ các vấn đề liên quan nên luật sư chưa thể phân tích chi tiết, cụ thể tình huống. Do đó, nếu thực sự cần hỗ trợ, hướng dẫn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, anh V cùng các đồng nghiệp có thể liên hệ cơ quan chuyên môn như Tư pháp, Công an, Lao động – Xã hội để được giải đáp. Trường hợp nếu chưa thấy thỏa đáng, anh V cùng đồng nghiệp bị ảnh hưởng bởi vụ việc hoàn toàn có thể làm đơn khởi kiện doanh nghiệp tại Tòa án địa phương nơi làm việc, sinh sống” -  luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực