Có học sinh được nâng điểm từ khá lên giỏi, từ trung bình lên khá, thậm chí có giáo viên dạy Toán nhưng lại đi sửa điểm môn Văn, gây hoài nghi cho giáo viên, phụ huynh học sinh.
Nhận được thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc đã kiểm tra, phát hiện có việc giáo viên chỉnh sửa điểm cho học sinh nên lập biên bản 5 giáo viên tại trường này, yêu cầu Ban Giám hiệu kiểm tra, rà soát toàn bộ dữ liệu điểm kiểm tra, đánh giá học sinh năm học 2020 - 2021 trong sổ điểm điện tử.
|
Trường Trung học cơ sở Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nơi xảy ra sự việc .
(Ảnh: Diên An)
|
Kết quả, phát hiện có 40 giáo viên chỉnh sửa điểm, trong đó có 14 giáo viên chỉnh sửa các điểm kiểm tra thường xuyên, 26 giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm kiểm tra cuối kỳ. Nhà trường đã yêu cầu các giáo viên liên quan viết tường trình.
Theo đó, đối với những giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra trường xuyên là do quá trình thực hiện kế hoạch môn học trong cả học kỳ.
Số lần kiểm tra thường xuyên của học sinh nhiều hơn số điểm tối thiểu theo quy định, nên giáo viên đã căn cứ vào sự tiến bộ của học sinh để chọn các con điểm đã được kiểm tra đưa vào tính điểm trung bình trong học kỳ. Vì vậy, các con điểm nhập trước đó đã được sửa lại bằng các con điểm học sinh đạt được ở cuối học kỳ.
Đối với những giáo viên chỉnh sửa điểm kiểm tra giữa kỳ và điểm kiểm tra cuối kỳ, qua bản tường trình của giáo viên và kiểm tra của Ban Giám hiệu nhận thấy việc sửa điểm là vì một số lý do như:
- Do nhập điểm nhầm cho học sinh, sau đó phát hiện ra và tiến hành sửa lại theo đúng điểm trong bài kiểm tra
- Do chấm sót điểm hoặc cộng nhầm điểm thành phần trong bài kiểm tra, nên khi học sinh đề nghị giáo viên đã chấm lại và sửa điểm theo nội dung chấm lại
- Do giáo viên làm tròn điểm chưa chính xác, do lỗi đánh máy, do ý thức chủ quan trong quá trình sử dụng phần mềm
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, khẳng định sau khi biết thông tin, Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc xác minh vụ việc, báo cáo kết quả trước ngày 23/7 và tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp đối với tập thể, cá nhân (nếu có sai phạm).
"Nếu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc giải quyết vụ việc nêu trên còn vướng mắc, Sở sẽ thành lập đoàn thanh tra trực tiếp xử lý vụ việc tại Trường trung học cơ sở Ngư Lộc. Quan điểm của Sở là xử lý nghiêm tập thể, cá nhân nâng điểm hay hạ điểm cho học sinh không đúng quy định", ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật TNHH Trường Sơn cho rằng, nhìn nhận từ góc độ pháp lý đối với nhà trường, giáo viên trực tiếp tham gia vào việc sửa điểm không chỉ là hành vi phạm quy định trong lĩnh vực giáo dục mà nó còn cho thấy bệnh thành tích quá nặng.
|
Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật TNHH Trường Sơn |
Trách nhiệm của nhà trường
Để xảy ra tình trạng nêu trên, nguyên nhân xuất phát từ sự buông lỏng quản lý của Ban Giám hiệu. Nếu nhà trường làm chặt, quyết liệt, có những biện pháp xử lý cụ thể đã không xảy ra sự việc.
Do đó, nhà trường cần tổ chức hội nghị để làm rõ trách nhiệm, sai phạm của từng cá nhân; tiến hành đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên theo quy định tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm giải trình với cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định tại Điều 12 Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì cơ sở giáo dục để xảy ra việc sửa chữa hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc đánh giá kết quả học tập của người học sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Trách nhiệm của giáo viên trực tiếp tham gia vào việc sửa điểm
Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì hành vi sửa điểm thi của giáo viên trường Trung học cơ sở Ngư Lộc sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ, tính chất thì có thể bị xử lý mang tính nội bộ như: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ giảng dạy có thời hạn…
Đáng chú ý, mặc dù sửa điểm sai quy định nhưng đa phần giáo viên vẫn xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hiệu trưởng là hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2020 - 2021. Người duy nhất bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ là giáo viên N.T.X và cũng là người đứng ra tố cáo vụ việc.
Việc xếp loại này không được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc đồng ý, dẫn tới việc ban hành văn bản 16 ngày 25/5 yêu cầu nhà trường tổ chức thực hiện việc đánh giá xếp loại giáo viên theo đúng Nghị định 90/2020/NĐ-CP và trả lời về Phòng trước 10h30 ngày 28/5. Tuy nhiên, trường chưa thực hiện.
Theo Luật gia Trần Thị Oanh, qua sự việc nêu trên, cho thấy bệnh thành tích vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục, đồng thời, cũng bộc lộ tình trạng tập huấn cho giáo viên, tình trạng dạy và học của một số địa phương còn nhiều bất cập./.