Cho chất cấm vào thực phẩm sẽ bị xử lý ra sao?

Thứ ba, 07/09/2021 12:39
(ĐCSVN) - Những ngày gần đây, cùng với nhiều thông tin đáng lo ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19, người dân lại phải gánh thêm một nỗi lo nữa về tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản hoặc cung cấp thực phẩm.

Cuối năm 2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã từng phát đi thông báo 7 loại sản phẩm của Singapore chứa chất nguy hại, trong đó có kẹo sâm Hamer. Loại này được rao bán tràn lan trên mạng có chứa chất kích dục Tadalafil. Nhiều sản phẩm khác như Coco Curv, Choco Fit, Nutriline Cleansline, Kimiso Dark Chocolate... cũng được cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo do chứa chất cấm sibutramine. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm cho biết nhiều lô thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) như viên giảm cân Giáng ngọc Eva, Health- Belief- Effective Detox Slimming Capsules, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox, trà giảm cân Vy&Tea chứa chất cấm sibutramine.

 Mì tôm Hảo Hảo là sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Ảnh: MH

Theo tìm hiểu của PV, hợp chất sibutramine có trong sản phẩm trà thảo mộc giảm cân Golean Detox và trà giảm cân Vy&Tea (của Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ thương mại Hà Vy) được sử dụng trong tân dược để giảm sự thèm ăn, thường dùng điều trị bệnh béo phì. Hợp chất này được quản lý chặt chẽ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấm sử dụng từ tháng 10/2010, do có nguy cơ làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim và gây nguy hiểm cho những người có tiền sử bệnh về động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ, thậm chí gây chết người. Tuy nhiên, vì lợi nhuận và bán được hàng, các nhà sản xuất vẫn cố tình cho TPBVSK “ngậm” chất cấm này.

Gần đây, thông tin “về việc mì Hảo Hảo có chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm”. Chất cấm ở đây cụ thể là chất Ethylene Oxide (EO) bị châu Âu cấm dùng trong thực phẩm bán tại lục địa này, và Hệ thống Cảnh báo nhanh của châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) đã thông báo về việc một số lô mì ăn liền, miến từ Việt Nam bị thu hồi do có sử dụng chất này.

Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Công thương) cho hay, theo dữ liệu của RASFF, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Trong đó, các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).

Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ ca cao... Trong đó, đối tượng được tập trung nhiều nhất là vừng, phụ gia thực phẩm E410 (locust bean gum) và các sản phẩm có liên quan.

Vụ Khoa học - Công nghệ nhấn mạnh, hiện nay nhiều quốc gia chưa có quy định về việc sử dụng EO trong nông nghiệp, thực phẩm hay dư lượng của chất này trong thực phẩm. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Trong khi, một số ít quốc gia và khu vực đã đưa ra quy định nhưng với sự chênh lệch rất lớn.

Hệ thống Cảnh báo nhanh của châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) mới đây đã thông báo về việc một số lô mì ăn liền từ Acecook Việt Nam và mì khô vị bò gà của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, cùng lý do có sử dụng Pesticide Ethylene Oxide (EO).

Đến ngày 28/8, Vụ Khoa học - công nghệ (Bộ Công thương) yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. Tiếp đó, Bộ Công thương cũng đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức thanh tra về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương.

Ngày 30/8, Văn phòng Chính phủ cũng có công văn đề nghị Bộ Công thương kiểm tra, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/9 việc nhiều thông tin về sản phẩm mì Hảo Hảo có chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Do mỳ Hảo Hảo là sản phẩm được sử dụng rộng rãi, sự việc này khiến nhiều người quan tâm. Liệu Ethylene Oxide gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thế nào đối với người tiêu dùng tại Việt Nam? Và nếu trong thực phẩm có chất cấm, đơn vị sản xuất có thể bị xử lý ra sao?

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ethylene Oxide là chất được sử dụng rộng rãi với tác dụng tiệt trùng các vật tư, dụng cụ trong lĩnh vực y tế, thiết bị chăm sóc sức khỏe, diệt vi sinh vật trong một số loại gia vị, rau sấy… do có tính khử trùng tốt.

Thông tư 50/2016/TT-BYT đã quy định giới hạn tối đa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm và phụ lục đính kèm thông tư đã liệt kê các chất và mức tồn dư tối đa tương tự. Ethylene Oxide không được liệt kê tại phụ lục này, do đó, có thể hiểu đây là chất không được phép tồn dư trong thực phẩm.

Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hành vi bị cấm.

Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Trường hợp gây thiệt hại, họ phải bồi thường và khắc phục hậu quả.

Dưới góc độ hình sự, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 quy định sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản hoặc cung cấp thực phẩm, nếu biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 500 triệu đồng hoặc phạt tù 3-20 năm, tùy thuộc tình tiết định khung hành vi phạm tội.

Trường hợp hành vi phạm tội gây thiệt hại, nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chứng minh được thiệt hại tới sức khỏe, vật chất, tinh thần do việc sử dụng thực phẩm vi phạm gây ra thì mới có thể yêu cầu đơn vị sản xuất bồi thường.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự và các văn bản của pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể chất cấm, hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc TPBVSK nói riêng là những chất nào do chưa có danh mục cụ thể. “Từ kẽ hở, khoảng trống của pháp luật này, nhiều tổ chức cá nhân đã lợi dụng để dùng các chất cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm”- ông Thái cho biết.

Theo ông Phạm Văn Hinh - Trưởng phòng Quản lý Sản phẩm thực phẩm- Cục An toàn thực phẩm, do chưa bị xử lý một cách thích đáng, đúng người đúng tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm về hành chính, không đủ tính răn đe nên việc sử dụng chất cấm trong TPBVSK vẫn diễn ra thường xuyên. “Đây có thể sẽ là một hướng mà chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế để rà soát, xây dựng quy định, đưa ra tiêu chuẩn giới hạn EO trong thực phẩm”, vị này nói thêm./. 

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực