Cho vay lãi nặng kèm thế chấp hình ảnh nhạy cảm xử lý thế nào?

Thứ hai, 11/10/2021 18:25
(ĐCSVN) - Đăng ký kinh doanh là dịch vụ cầm đồ nhưng hai đối tượng Lương Minh Ngọc (25 tuổi, trú xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Thái Quý (28 tuổi, trú phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thông qua nhiều tài khoản Zalo, Facebook và đăng nhiều bài với nội dung cho vay online, thủ tục nhanh, gọn để mời gọi người vay.

Trong đường dây cho vay nặng lãi vừa bị Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với Công an thành phố Đồng Hới và các phòng nghiệp vụ triệt phá nói trên, để hợp thức hóa các gói vay từ 5-150 triệu đồng, Ngọc chụp ảnh người vay đồng thời yêu cầu để lại các loại giấy tờ tùy thân, viết giấy mượn tiền với mức lãi suất từ 180% đến 365%/năm. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, Ngọc và Quý đã cho rất nhiều người vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Đặc biệt, đối với người vay không có tài sản, giấy tờ tùy thân, các đối tượng này yêu cầu người vay tiền thế chấp bằng các video, hình ảnh nhạy cảm của mình. Nếu người vay không trả tiền hoặc trả tiền chậm thì các đối tượng sẽ gặp trực tiếp hoặc gọi điện, nhắn tin đe dọa đăng hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội hoặc in các tờ rơi rải ở khu vực dân cư để gây áp lực, buộc người vay trả tiền.

 Hai đối tượng Ngọc và Quý bị cơ quan công an bắt giữ. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ việc, Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho rằng vấn nạn cho vay nặng lãi diễn ra suốt thời gian qua trên nhiều tỉnh, thành với nhiều hình thức khác nhau nên các cơ quan chức năng cần xem xét và giải quyết dứt điểm.

Thực tế, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều băng nhóm, đường dây cho vay nặng lãi nhưng vẫn chưa giải quyết được yếu tố cơ bản đó là nhu cầu thực sự cần tiền chi tiêu của nhiều người khi khó khăn có thể ập đến chúng ta bất cứ lúc nào như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn..., thậm chí là thua lỗ, nợ nần. Trong khi cách tiếp cận những định chế cho vay chính thức (tổ chức tín dụng, ngân hàng…) lại tương đối khó đối với người dân, và đây có thể xem mảnh đất màu mỡ của loại hình cho vay phi chính thức với mức lãi "cắt cổ".

Do vậy, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ, bằng chứng cho thấy nhóm này đã có hành vi cho vay nặng lãi, thì theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Luật gia Trần Thị Oanh, vì nhu cầu bức thiết nên người vay đành chấp nhận những điều kiện “khác lạ, oái oăm”, cụ thể ở đây là người vay buộc phải thế chấp thêm hình ảnh nhạy cảm của mình mà không lường trước được những hệ lụy có thể xảy ra.

Phân tích sâu hơn, nếu người đi vay chụp ảnh khỏa thân hoặc quay các clip có dấu hiệu của hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy mà ở đây chính là hành vi làm ra các văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 3 Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004, giải thích rõ từ ngữ “"Đồi trụy" quy định tại Điều 16 và khoản 1 Điều 26 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiển thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Việc lan truyền văn hoá phẩm đồi trụy sẽ bị xử theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong 08 nhóm hành vi tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, bao gồm: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…

Luật gia Trần Thị Oanh nhấn mạnh, Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định rõ khung hình phạt cơ bản với hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồ trụy là mức phạt tiền từ 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực