Chủ chó thả rông cắn người bị xử lý hình sự?

Thứ năm, 28/09/2023 08:27
(ĐCSVN) - Chiều ngày 13/9, khi trường vừa tan học, một con chó lạ đã xông vào cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) tấn công khiến 2 học sinh bị thương phải cấp cứu trong bệnh viện. Theo luật sư, kể cả chủ nuôi chó có bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự hay không thì cũng phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho hai em học sinh theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 (được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao).

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, thời gian gần đây xảy ra không ít vụ việc chó không rọ mõm tấn công người đi đường, để lại những hậu quả hết sức thương tâm. Mặc dù đã có quy định xử phạt nhưng nhiều người vẫn bất chấp, cố ý coi thường pháp luật.

Trong khi rất nhiều chế tài xử phạt đã có, nhiều người nuôi chó vẫn không có ý thức hay không biết, không tìm hiểu các quy định về việc nuôi thả chó. Đa số chủ nhân nghĩ đơn giản chó của mình là chó cảnh, sẽ chẳng bao giờ tấn công ai.

Con chó tấn công hai học sinh lớp 3 ngay tại cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), khiến hai em bị thương nặng (Ảnh: Nguyễn Chính)

Căn cứ quy định tại Khoản 2.1 Mục 2 Phụ lục 15 Hướng dẫn phòng, chống bệnh dại động vật ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì người nuôi chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.

Cụ thể, đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi):

a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban Nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư;

b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;

c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;

d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định;

đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Theo luật sư Kỹ, chó dữ cũng có thể được xem là nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định tại Điều 601 Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015). Chó có đặc tính dã thú là truy đuổi, cắn xé con mồi, mức độ sát thương rất cao, có khả năng truy bắt và tấn công những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra: chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp này, con chó đã tấn công hai em học sinh bị thương, gây thiệt hại về sức khỏe, do đó chủ chó có chịu trách nhiệm bồi thường, cụ thể:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại:

+ Chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho người bị thiệt hại; thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đến cơ sở khám chữa bệnh và trở về nơi ở;

+ Chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày khám bệnh, chữa bệnh theo số ngày trong hồ sơ bệnh án;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần (50 lần) mức lương cơ sở (theo quy định từ ngày 01/7/2023 là không quá 90 triệu đồng).

Về trách nhiệm hình sự: Trường hợp tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của hai em học sinh từ 61% đến 121% thì chủ nuôi chó có thể chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người” theo quy định tại Khoản 1 Điều 295 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Về trách nhiệm hành chính: Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xác minh, củng cố hồ sơ đề nghị xử lý vi phạm hành chính chủ nuôi chó nêu trên theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 7 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Vụ việc nói trên là rất đáng tiếc, nạn nhân là trẻ em - đối tượng cần phải được chăm lo, bảo vệ toàn diện. Do đó, trước hết mỗi người dân hay mỗi hộ gia đình cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định, nuôi chó, mèo phải khai báo với chính quyền địa phương và thực hiện đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại.

Mỗi xã, phường cần nghiên cứu thành lập và duy trì hiệu quả các đội bắt chó thả rông. Thực hiện tuyên truyền đến mỗi người dân các quy định có liên quan.

“Cần quyết liệt hơn trong phát hiện xử lý các trường hợp thả rông chó. Người dân cũng cần chủ động ghi lại những hình ảnh các trường hợp thả rông chó để làm bằng chứng cung cấp cho lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

 

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực