Có nên khuyến khích trả tiền cho người dân cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông?

Thứ ba, 20/02/2024 09:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trong tuần qua, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc liên quan đến các vấn đề như: Phương tiện vi phạm hành chính do chủ xe vi phạm nồng độ cồn nhưng không đến nhận khi hết thời hạn tạm giữ xử lý ra sao? và có nên khuyến khích trả tiền cho người dân cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông?

Phương tiện vi  phạm hành chính khi hết thời hạn tạm giữ xử lý ra sao?

Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy (Ảnh : Nguồn Báo Bảo vệ Pháp luật) 

Liên quan đến nội dung này, Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, vi phạm nồng độ cồn là một trong những hành vi vi phạm hành chính, việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định rõ tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Cụ thể việc tạm giữ phương tiện được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) mục đích để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Ngoài số tiền bị xử phạt, người có phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian phương tiện bị tạm giữ.

Căn cứ  khoản 4, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); căn cứ Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Theo đó, trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Có nên khuyến khích trả tiền cho người dân cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông?

Luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) 

Bạn đọc Phạm Minh Tiến (Gia Lâm, Hà Nội) hỏi: Tôi được biết, hiện nay một vài địa phương đang nghiên cứu ban hành quy định khuyến khích trả tiền cho người dân cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông? Việc này có ý nghĩa ra sao trong ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông khi mà CSGT có thể không kiểm soát hết các vi phạm?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên – Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy có thể hiểu tố cáo là việc cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật (có thể là vi phạm pháp luật hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự) của cá nhân, tổ chức khác báo với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền. Người tiếp nhận nội dung tố cáo có trách nhiệm xử lý, giải quyết nội dung tố cáo nếu thuộc thẩm quyền hoặc chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo theo Điều 24 Luật Tố cáo năm 2018. Tuy nhiên, đối với những đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lý như: nặc danh, mạo danh… Vì thế người dân khi qua một nguồn thông tin nào nắm bắt được hành vi vi phạm pháp luật thì hoàn toàn có quyền tố cáo hành vi đó tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống vừa là quyền và vừa là trách nhiệm, nghĩ vụ của một công dân.

Tôi cho rằng các địa phương nên có hình thức kêu gọi người dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia công tác đấu tranh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có thể dùng nhiều hình thức để khích lệ như khen thưởng, biểu dương thành tích, không nên trả tiền cho hành vi tố cáo vì tố cáo đây là quyền, là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, nếu việc trả tiền để xử lý hành vi vi phạm sẽ tạo ra “hiệu ứng thụ động được trả tiền thì tố cáo không trả tiền thì không tố cáo” dẫn tới không mang lại thay đổi thực chất và không bền vững, đưa tới nhiều hệ luỵ là mặt trái. Thậm chí sẽ có chuyện mặc cả lợi ích vật chất để không cố cáo dẫn tới bao che cho hành vi vi phạm pháp luật, dẫn tới 1 quan hệ pháp luật nhưng phái sinh ra nhiều hệ luỵ khác.

Vì thế việc trả tiền để khuyến khích người dân tham gia tố cáo hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ nói riêng và tố cáo vi phạm pháp luật nói chung sẽ không phải là giải pháp bền vững, không thúc đẩy thay đổi bền vững trong nhận thức người tố cáo (người dân) và người bị tố cáo (người có hành vi vi phạm pháp luật)./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực