Trước đó, ngày 4/9, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (đơn vị quản lý Kỳ đài) cho biết, trong quá trình tuần tra, tổ liên ngành an ninh phát hiện một số thanh niên leo qua gác chắn đi vào khu vực Kỳ đài, nên đã đề nghị nhóm thanh niên ra khỏi khu vực di tích.
Đến khuya, phát hiện một số bóng đèn LED chiếu sáng tại đây đã bị đập vỡ, mảnh kính từ bóng đèn nằm vương vãi trên mặt nền di tích. Lực lượng bảo vệ nhận định đây có thể là hành vi phá hoại tài sản của nhóm thanh niên kể trên. Phía công an đang khẩn trương điều tra, xác minh để xử lý theo quy định pháp luật.
|
Hiện trạng hệ thống đèn LED ở di tích Kỳ đài bị đập phá, hư hỏng nặng (Ảnh: Trí Đức)
|
Khu vực Kỳ đài có 32 đèn chiếu sáng, trong đó 21 chiếc bị đập vỡ phần mặt kính được gắn trên sàn ở tầng 1 và tầng 2.
Vận hành đầu từ đầu năm 2018, hệ thống đèn LED nói trên có giá trị hơn 14,6 tỷ đồng với công nghệ hiện đại nhiều màu sắc lung linh và tạo điểm nhấn độc đáo cho Huế về đêm. Trong đó, có khoảng 1.000 đèn bố trí bao bọc xung quanh di tích Kỳ đài.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật gia Nguyễn Minh Phương, Công ty luật TNHH Trường Sơn (địa chỉ tại thành phố Hà Nội) cho biết Kỳ đài của kinh thành Huế là di tích nằm trong Quần thể di tích của cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.
Đây không phải là lần đầu tiên khu vực Kỳ đài bị người dân và du khách xâm hại bằng cách liên tục viết, vẽ với những ngôn ngữ và hình ảnh rất tục tĩu.
Theo quy định tại Điều 1 Chương I Luật Di sản văn hóa năm 2013 (Số: 10/VBHN-VPQH, ngày 23 tháng 7 năm 2013), di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, Khoản 3 Điều 4 Chương I Luật Di sản văn hóa năm 2013 cũng nêu rõ: Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.
Theo luật gia Phương, nếu có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý với “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 345 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), cụ thể:
Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Kỳ đài liên tục bị xâm hại, phá hoại với nhiều hình thức như đang thấy là một điều bất bình thường, giải pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường lực lượng bảo vệ và đầu tư hệ thống camera giám sát, tuy nhiên đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, tài chính…
Các di sản văn hoá mang trong mình những giá trị về văn hoá, khoa học, giáo dục, thẩm mĩ và nhân văn. Việc phá hoại như thế này dù xảy ra bất cứ đâu cũng không thể chấp nhận được. Nó không chỉ bao hàm hậu quả về vật chất thuần tuý mà là tổng hợp các tác động, ảnh hưởng của hành vi vi phạm (uy tín, thương hiệu, hình ảnh du lịch trong mắt bạn bè, du khách quốc tế…).
“Do vậy, cùng với việc đề nghị lực lượng công an truy tìm hung thủ cũng như mong đợi sự cải thiện trong ý thức người dân và du khách, đã đến lúc chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng phá hoại di sản như này”, luật gia Phương nhấn mạnh./.