CSGT có được phép truy đuổi người vi phạm hay không?

Thứ hai, 08/11/2021 19:53
(ĐCSVN) - Bạn Nguyễn Ngọc, tại địa chỉ quận Thanh Xuân, Hà Nội hỏi: Cảnh sát giao thông (CSGT) có được phép truy đuổi người vi phạm không? Trường hợp CSGT truy đuổi người vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông thì CSGT có phải chịu trách nhiệm không?
Hiện pháp luật hiện hành cũng không quy định rõ lực lượng vũ trang có được phép truy đuổi hay không. 

Trả lời câu hỏi trên, Luật sư An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết:

Dưới góc độ pháp lý có các tình huống sau: Thứ nhất, hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì việc truy đuổi của CSGT, CSCĐ, CSHS hay người dân là hết sức bình thường. Nếu phát hiện phạm tội quả tang như trộm cắp, cướp giật... thì bất cứ ai cũng được truy đuổi, bắt giữ.

Tuy nhiên, vi phạm giao thông là vi phạm hành chính thì có nên truy đuổi hoặc được phép truy đuổi hay không? Hiện pháp luật hiện hành cũng không quy định rõ lực lượng vũ trang có được phép truy đuổi hay cấm việc Cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm quy định về an toàn giao thông mà chỉ có quy định cho phép cảnh sát giao thông được quyền dừng xe của người vi phạm lại một cách an toàn để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20/6/2012) thì về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, và phải bị xử lý nghiêm minh. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016 (Số: 01/2016/TT-BCA, ngày 04/01/2016) cũng khẳng định cảnh sát giao thông được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, những năm trước đây có một số vụ cảnh sát truy đuổi dẫn tới người vi phạm xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, một số địa phương có những quy định trong ngành, nội bộ CSGT không nên truy đuổi người vi phạm giao thông.

Tại các địa phương, đơn vị đã có quy định như vậy, nếu cán bộ CSGT không chấp hành thì tuỳ vào tính chất có thể bị kỷ luật theo quy định ngành.

Giả thuyết đặt ra, khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, người tham gia giao thông chấp hành thì sẽ không có chuyện truy đuổi, không có chuyện xảy ra tai nạn giao thông.

Vì vậy, pháp luật hiện hành quy định, khi tai nạn giao thông xảy ra thì lỗi chính vẫn là ở người vi phạm, đã không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát lại gây tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm.

Hơn nữa, việc CSGT có truy đổi hay không pháp luật cũng không cấm trong tình huống hành chính. Vì vậy, người lái xe với tốc độ cao gây tai nạn phải chịu trách nhiệm về hậu quả mình gây ra./.

Ban Bạn đọc - Cộng tác viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực