Đá văng trúng ô tô trên cao tốc, ai phải chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, 24/02/2023 18:44
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc bị đá rơi trúng ôtô khi đang đi trên cao tốc, trách nhiệm pháp lý của đơn vị thi công công trình, quản lý đường cao tốc hoặc người/nhóm người sẽ được xem xét cụ thể, có tình có lý căn cứ vào kết quả xác minh hành vi ném đá là vô tình hay cố ý.

Ngày 15/2/2023, ông B.H. K (trú tại tỉnh Thái Nguyên) điều khiển ôtô Ford Everest trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tốc độ khoảng 100km/h thì bất ngờ bị một hòn đá to bằng nắm tay nặng chừng 1 kg bay tới xuyên thủng kính lái, làm gãy gương chiếu hậu giữa và rơi thẳng vào cần số. May mắn không có ai bị thương. Do không mua bảo hiểm xe nên ông K phải chi 12 triệu đồng thay kính lái.

Sau đó 4 ngày, anh N.X.T. trú tại Hà Nội tiếp tục phản ánh việc bị đá rơi trúng ôtô khi đang đi trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua địa phận xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Chiếc xe bị vỡ kính lái và cửa sổ trời.

Cả 2 vụ việc nói trên đều xảy ra vào buổi tối. Tài xế xác nhận đá văng tới từ hướng của cầu vượt cắt ngang đường. Khu vực này không có đồi núi hay hoạt động nổ mìn phá đá nên họ cho rằng có hành vi chủ ý.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh, cho rằng có 2 tình huống xảy ra.

Tình huống thứ nhất, nếu đá rơi từ công trình đang thi công thì phải xác định việc che chắn để đảm bảo an toàn cho người, công trình xung quanh đã đáp ứng các tiêu chuẩn hay chưa.

Nếu có vi phạm về an toàn trong thi công gây ra sự cố, dẫn đến thiệt hại thì đơn vị thi công sẽ phải bồi thường cho bên bị thiệt hại do lỗi của đơn vị gây ra theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu rơi xuống từ công trình đã bàn giao, đang sử dụng thì phải xác định lại nguồn gốc hòn đá, lỗi từ việc thi công kém chất lượng hay công tác quản lý công trình. Đây là căn cứ xác định được trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

Nếu bên thi công đã đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn, sự cố xảy ra do nguyên nhân khách quan, không phải lỗi của bên thi công hay quản lý công trình thì sẽ thiếu căn cứ để quy kết trách nhiệm.

 Chiếc xe bị đá rơi thủng kính, thiệt hại tài sản khoảng 12 triệu đồng (Ảnh: NVCC)

Căn cứ Điều 13 Chương II Thông tư 90/2014/TT-BGTVT (Số: 90/2014/TT-BGTVT, ngày 31 tháng 12 năm 2014) của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn một số nội dung về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc thì đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc có trách nhiệm: Lập kế hoạch tuần đường phù hợp điều kiện tuyến đường; Thực hiện công tác tuần đường trên đường cao tốc theo đúng quy định; Xử lý kịp thời các vi phạm, tai nạn, sự cố theo thẩm quyền; Báo cáo cơ quan quản lý đường cao tốc, nhà đầu tư đường cao tốc và các cơ quan chức năng có liên quan và đề nghị giải quyết, hỗ trợ giải quyết các vi phạm, tai nạn, sự cố vượt quá thẩm quyền; Báo cáo kết quả thực hiện tuần đường, tình hình an toàn giao thông và tình hình vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc theo quy định.

Trong khi đó, nhân viên tuần đường phải phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến an toàn giao thông, các vi phạm quy định về an toàn giao thông, vi phạm phương án tổ chức giao thông, các tai nạn, sự cố giao thông và báo cáo kịp thời; Thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết của công trình đường cao tốc trong đoạn tuyến được giao; kiểm tra thường xuyên để phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình; báo cáo đơn vị khai thác, bảo trì đường cao tốc để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp hư hỏng nhỏ, việc khắc phục không cần vật tư, thiết bị thì nhân viên tuần đường chủ động thực hiện hoặc yêu cầu công nhân bảo trì khắc phục ngay.

Tình huống thứ hai, nếu có căn cứ xác định hành vi ném đá của con người, tùy thuộc tính chất và mức độ, hậu quả hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Kỹ phân tích, nếu người đó có đầy đủ nhận thức, năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi với mục đích cố ý làm hư hỏng phương tiện hoặc vô ý nhưng nhận thức được hậu quả có thể xảy ra mà vẫn thực hiện thì có dấu hiệu của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm: Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Dù cho cố tình hay vô ý thì hành vi ném đá là rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại tài sản mà còn có thể xâm phạm sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng con người. Yếu tố then chốt để có thể xử lý đối với các tội danh này là có thiệt hại về sức khỏe hoặc tính mạng con người, và hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hậu quả. 

Cụ thể, căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, số người bị chết, số lần phạm tội… mà người phạm tội có thể bị xem xét xử lý theo quy định tại các Điều 128 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội vô ý làm chết người; Điều 134 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, và Điều 138 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Thực tế ghi nhận thời gian qua, tại một số địa điểm, vị trí trên các tuyến cao tốc có tình trạng thanh thiếu niên địa phương tụ tập trên cầu vượt rồi ném đá xuống các phương tiện đang tham gia giao thông, chủ yếu vào ban đêm. Sau khi xảy ra, tài xế thường không báo cho đơn vị vận hành, cũng không thông tin đến chính quyền địa phương mà chỉ chia sẻ lên mạng xã hội.

Theo quy định tại Điều 12 Chương III Bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác, trong khi đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác…

Như vậy, nếu người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi trở lên và phạm tội nghiêm trọng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hành vi ít nghiêm trọng, họ sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nhưng có thể bị áp dụng chế tài hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Trường hợp dưới 14 tuổi, người phạm tội có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, hoặc bị đưa vào trường giáo dưỡng.

Vấn đề đặt ra là hệ thống camera theo dõi, giám sát an toàn trên nhiều tuyến cao tốc không thể ghi nhận, phân tích, đánh giá đúng, đủ toàn bộ các tình huống ném “vật thể lạ” như hòn đá, cành cây to, giày dép, quần áo… qua hàng cây hoặc đứng ném từ trên cầu vượt, từ đó gây ra những khó khăn nhất định trong việc xác định chính xác thủ phạm, cung cấp bằng chứng cho quá trình xác minh, điều tra và xử lý.

“Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, sát sao hơn nữa trong công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật giữa lực lượng cảnh sát giao thông, đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc với chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để đảm bảo duy trì tốt trật tự an toàn giao thông”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực